Khôi phục, phát triển làng nghề phục vụ du
lịch là một trong những hướng đi ưu tiên của ngành du lịch Thừa Thiên-Huế nhằm
thu hút nhiều du khách đến với mảnh đất cố đô.
Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, hình thức
du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền
thống.
Du khách khi đến Huế thường có nhu cầu đến tham quan,
trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất tại các làng nghề truyền thống.
Thú vị nhất là du khách được tận tay tham gia vào quá trình sản xuất các sản
phẩm thủ công truyền thống. Điều này đòi hỏi các làng nghề truyền thống ngoài
việc có phân xưởng để chuyên sản xuất còn cần thiết kế riêng một khu vực trình
diễn, trải nghiệm để du khách có điều kiện tham gia sản xuất. Đây cũng là
xu hướng tất yếu hiện nay của các làng nghề ở Thừa Thiên-Huế.
Thừa Thiên-Huế hiện có 88 làng nghề; trong đó có 69
làng nghề truyền thống, 8 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 11 làng nghề mới du
nhập với trên 2.600 cơ sở sản xuất.
Tiêu biểu là các làng nghề: đúc đồng Phường Đúc, thêu
Phú Hòa (thành phố Huế), đệm bàng Phò Trạch, mộc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, kim
hoàn Kế Môn, rèn Hiền Lương, mây tre Trạch Phổ (huyện Phong Điền), đan lát
Bao La, bún Ô Sa (huyện Quảng Điền), bún Vân Cù, bánh tráng Lựu Bảo (thị xã
Hương Trà), rượu An Truyền, nón Mỹ Lam, tranh Làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên
(Phú Vang), dệt zèng (huyện A Lưới), dầu tràm Lộc Thủy (Phú Lộc).
Mỗi làng nghề đều có những nét đặc trưng với những
giá trị văn hóa, lịch sử được kết tinh trong từng sản phẩm tinh xảo...
Những nghệ nhân giỏi và lâu năm ở các làng nghề là những "bảo tàng
sống" của làng nghề, là người giữ và truyền lửa yêu nghề đến các thế hệ
sau.