Một số lương y ở Huế có nghe các vị ngự y tiền bối kể
lại rằng vua Minh Mạng đã xài phí sức lực vào việc giới tính từ rất sớm.
Con người hình như nhất định không chịu coi sự suy
giảm về sức lực theo tuổi tác là điều bất khả kháng. Chính vì thế, việc con
người tìm cách duy trì khả năng tình dục từ xưa tới nay ở bất kỳ dân tộc nào
cũng đều lưu truyền những bài thuốc đặc biệt ấy. Và vua Minh Mạng thang cũng
không phải là một ngoại lệ.
Vua Minh Mạng (sinh năm Tân Hợi 1791, mất năm Tân Sửu
1841) có cả thảy 43 người vợ. Chuyện hậu cung của vị vua này cũng có nhiều nét
khác biệt mà đến giờ vẫn còn nhiều bí mật và dị bản khác nhau. Có những đêm vua
Minh Mạng có thể ân sủng đến 4 ái phi cũng bởi nhờ bài thuốc này.
Cùng với đó là những hé mở về những bài thuốc “xuân
dược” được các vua chúa triều Nguyễn dùng thông qua những người từng là hậu duệ
của cung cấm. Giờ đây, nhiều người vẫn xưng là dòng tộc vua để kinh doanh loại
thuốc này nhưng thật ít, giả nhiều.
Vua Minh Mạng.
Bí mật “xuân dược” của đế vương nước Nam
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, tương truyền một số
lương y hiện nay ở Huế có nghe các vị ngự y tiền bối kể lại rằng vua Minh Mạng
đã xài phí sức lực vào việc giới tính từ rất sớm, ngay từ thời còn là hoàng tử.
Sau khi lên ngôi kế vị, vua Minh Mạng bên cạnh những
sứ mạng lớn lao cho quốc gia đại sự, Ngài cũng giống như các vị tiên đế, là
chẳng hề quên “trọng trách” của mình đối với tam cung lục viện, với hàng ngàn
cung tần mỹ nữ trẻ đẹp.
Để giúp cho vua Minh Mạng chu toàn mọi sứ mạng, một vị
quan ngự y riêng được tín cẩn đã bỏ công nghiên cứu và sáng chế ra một bài
thuốc ngâm rượu đặc biệt dâng hiến cho vua, mục đích là giúp ngài nâng cao thể
lực, tráng kiện minh mẫn, luôn sáng suốt trong vai trò an dân trị quốc, đồng
thời cũng bao hàm thêm một hậu ý khác nữa là để đắc lực trợ chiến mỗi khi loan
phòng hữu sự.
Lại cũng có tài liệu ghi chép thêm rằng, do vì trác
táng quá độ, nhà vua hết sinh khí, bạc nhược ốm đau liệt giường tưởng chừng như
sắp... “đứt bóng”! Rồi một vị ngự y danh tiếng đã phải dùng đến phép thuật kim
châm, kích thích lại hết các kinh mạch, giúp vua có lại thần khí, kế đến mới ra
tay phục dược bằng vô số các bài thuốc uyên bác.
Mất một thời gian khá lâu sau vua mới lấy lại được
phong độ. Cuối cùng của việc điều trị này là quan ngự y trên đã nghĩ ra bài
thuốc rượu độc đáo để vua dắt túi phòng thân. Và hiệu nghiệm đầu tiên rất cụ
thể đó là về mặt sinh lý, nhà vua đã sinh được 78 hoàng tử và 64 hoàng nữ. Hiệu
nghiệm thứ hai đó là về mặt tinh thần, trí tuệ.
Lịch sử cho thấy 20 năm trị vì, vua Minh Mạng đã làm
được rất nhiều việc tốt đẹp cho đất nước trên nhiều lĩnh vực hành chính, kinh
tế, văn hóa, xã hội... Có thể nói thời Minh Mạng là đỉnh cao của vương triều
Nguyễn.
Vì công hiệu của toa thuốc mà nhà vua đã dùng ấy, các
quan lớn trong triều đã “phạm thượng” bí mật sao chép mang về để dùng, rồi sau
đó lan truyền trong dân gian. Thêm một cứ liệu nữa khiến người ta quy kết những
toa thuốc có tên “Nhất dạ lục giao” là toa thuốc của vua Minh Mạng, bởi vì
tương truyền, chính vua Minh Mạng đã từng có thơ nhắc đến việc “Nhất dạ lục
giao tam hữu dựng” (một đêm 6 lần giao hợp, 3 lần có con).
Tuy nhiên, câu chuyện “lục giao sanh ngũ tử” có lẽ là
chẳng ai có thể kiểm chứng được. Dẫu sao, xét về số con của vua Minh Mạng thì
hậu thế phải công nhận ông thuộc vào loại có khả năng tính dục tuyệt luân. Theo
sử sách, hằng đêm, vua thức khuya để coi chương sớ từ các phiên trấn gửi về đến
canh ba (tức hơn 11 giờ khuya) mới đi ngủ.
Truyền thuyết đồn rằng, vào một buổi tối kia, sau khi
nhâm nhi hết vài ly rượu thuốc, Ngài đã xung độ lên và giao hoan trong đêm đó
liên tiếp 6 bà cung phi. Kết quả sau đó là 5 bà đều mang thai. Như thế là chỉ
trong một đêm nhà vua đã sản xuất ra 5 người con, do đó mới phát sinh câu nói:
“Nhất dạ lục giao, sinh ngũ tử” (Một đêm giao hợp 6 lần, đẻ 5 đứa con).
Hoạt động chăn gối về đêm sung mãn như thế mà ban ngày
vẫn thiết triều, cưỡi ngựa không biết mệt, chứng tỏ vua Minh Mạng là một người
có một “thể chất tiên thiên” bẩm sinh cường tráng. Những toa thuốc mà vua dùng
chỉ là trợ lực cho đường sinh lý chứ không phải là chủ trị quyết định.
Những bài thuốc công hiệu tới mức nào?
Theo lương y Phan Tấn Tô - Phó chủ tịch Hội Đông y
tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có ít nhất là 25 dị bản “Minh Mạng thang” khác nhau
được sưu tầm, phát hiện và công bố. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các lương y ở
Huế và cả nước chưa ai tìm thấy xuất xứ, nguồn gốc của bài thuốc.
Nguyên nhân được lý giải rằng, bài thuốc thuộc loại
tối mật của triều đình nhà Nguyễn do các ngự y trong thái y viện bốc riêng cho
vua, không ai được phép bắt chước. Không chỉ là những câu chuyện truyền miệng,
từ cách đây khá lâu có một nhóm lương y tại Huế (Lê Quý Ngưu, Phan Tấn Tô,
Nguyễn Thanh Thọ...) đã âm thầm sưu tầm các tài liệu cổ để nghiên cứu các bài
thuốc còn lưu trữ tại các gia đình hoàng tộc, hay các ngự y của triều đình Huế.
Từ lâu, bài thuốc Minh Mạng còn vượt trội so với bài
thuốc tráng dương của Tần Thủy Hoàng bên Trung Hoa. Cả hai bài trên có tác dụng
đại bổ thận, bồi bổ thần kinh, gia tăng khí huyết, tăng cường sinh lực, mạnh
gân cốt, bán thân bất toại, dương sự kém, tăng tuổi thọ”. Vậy sự thật của bài
thuốc này là như thế nào.
Đương thời người ta gọi lương y Lê Văn Doãn (1873-19470)
là một bậc “thánh y”. Bởi vì, bên cạnh tài chữa bệnh cứu người, ông
còn được người dân quý mến bởi sự thương người như thân thể của
mình. Đã từng làm quan ngự y trải qua năm đời vua triều Nguyễn, đến
lúc già ông cáo quan về hưu trí tại làng Nguyệt Biều (nay thuộc
phường Thủy Biều, TP Huế).
Và đến thời điểm này, hậu duệ của ông chỉ
còn lại một người. Đó là cô con gái Lê Thị Ngà năm nay đã bước sang
tuổi cửu tuần và là người được ông truyền lại bài thuốc “Minh Mạng thang”
kia. Ở tuổi 90, cụ Lê Thị Ngà (làng Nguyệt Biều, P. Thủy Biều, TP
Huế), hậu duệ cuối cùng của “thánh y” Lê Văn Doãn, tuy đôi tai hơi
lãng nhưng vẫn giữ được vẻ minh mẫn qua từng câu nói.
Sâu thẳm trong ánh mắt gợn đục của bà vẫn ánh
lên niềm tự hào khi nhắc lại chuyện về người cha là vị danh y một
thời Lê Văn Doãn. Trò chuyện với chúng tôi về bài thuốc Minh Mạng, bà Ngà
khẳng định bài thuốc đó là có thật, chính cha bà đã chép tay lại cẩn thận và
giấu vào trong một chiếc hộp rất đẹp để trong khuê phòng.
Đó là hai bài thuốc “xuân dược” chép tay rất nổi
tiếng một thời “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” (một đêm ngủ với 6 bà
thì có 5 bà có tin mừng) và “Nhất dạ ngũ giao tứ tử” (một đêm ngủ
với 5 bà thì 4 bà có tin mừng). Trong thời gian ở kinh thành làm quan
ngự y, ông đã được các vị vua triều Nguyễn tin dùng trong việc bốc
thuốc kê đơn cho mình.
Bài thuốc “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” và
“Nhất dạ ngũ giao tứ tử” được dùng cho cả đàn ông và đàn bà, nhưng
tùy theo từng độ tuổi thích hợp. Bài thuốc thứ nhất, chỉ dùng cho
những người từ 40 tuổi trở lên. Còn bài thuốc thứ hai chỉ dùng trong
độ tuổi từ 30-40.
Ngoài công dụng rất công hiệu trong việc chữa
bệnh yếu sinh lý, bài thuốc “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” còn rất
công hiệu trong việc chữa các chứng bệnh như thấp khớp, đau lưng, các
bệnh liên quan đến gan... Hai bài thuốc này kết hợp rất nhiều loại
thảo dược, theo bà Ngà thì cần phải có đến gần 25 vị thuốc mới
điều chế ra các loại thuốc trên.
Theo đó, bài thuốc gồm 25 vị, có hướng dẫn cách ngâm
rượu và cách dùng cũng như mô tả sáu công dụng đặc biệt: đại bổ khí huyết, tăng
cường sinh lực, bồi bổ thần kinh; ngăn ngừa bệnh tật, trị khỏi đau lưng, nhức
mỏi và bồi bổ cho sản phụ; người liệt dương (uống 1 - 2 tháng có thể có con);
người khản tiếng, nói không to, uống thuốc nói được to tiếng; thận yếu lâu, bán
thân bất toại, đi đứng không được.
Tuy nhiên, vì đất nước kinh qua quá nhiều binh
đao lửa đạn, những tài liệu chép tay quý giá của lương y Lê Văn Doãn
đã bị thất lạc, những bài thuốc chép tay này được giao lại cho bà
Ngà cất giữ khi lương y qua đời. Bà Ngà ngậm ngùi: “Được cha (lương y
Lê Văn Doãn) giao cho những tài liệu quý giá đến vậy, tôi cũng cố công
gìn giữ lắm.
Có một số bài thuốc tôi đã đánh mất nên tự cảm thấy
rất có lỗi với cha tôi. Giá như đến bây giờ còn lưu giữ được thì tôi
đã cứu được vô số người bệnh, mỗi khi họ đến cầu cứu chữa trị...”,
lương y Thích Tuệ Tâm, Giám đốc Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa ở Huế là một trong
những người sưu tầm được nhiều nhất các dị bản “Minh Mạng thang” (17 bài), ông
cũng thường xuyên sử dụng hai bài “nhất dạ...” vừa kể để bốc cho người bệnh có
nhu cầu từ nhiều năm nay.
Theo ông, người xưa lập phương thuốc phải tùy vào bệnh
cảnh của từng người, gọi là “đối chứng, lập phương”. Không có một công thức cố
định để áp dụng cho tất cả mọi người. Bài thuốc này bao gồm các vị thuốc có tác
dụng bổ khí huyết, bổ âm, bổ dương, trừ phong thấp, mạnh gân cốt, hành khí,
hành huyết và kích thích tiêu hóa.
Bài thuốc này cả nam và nữ đều dùng được. “Tuy vậy,
tùy từng trường hợp mà có thể gia-giảm khác nhau (ví dụ mùa đông thì tăng thêm
các vị nóng; người yếu thận thì phải tăng thêm các vị bổ thận; người không yếu
thận nhưng bị phong thấp thì giảm bổ thận, tăng vị chống nhức mỏi...), nên muốn
sử dụng hiệu quả thì phải tìm đến thầy thuốc bắt mạch kê đơn.
Còn uống rượu sản xuất đại trà, hoặc tự mua về ngâm
rượu uống thì hầu như không có tác dụng, thậm chí còn bị tác dụng ngược! Con
người là một chỉnh thể bất khả phân, sức khỏe là sự điều hòa khí huyết, cân bằng
âm dương, trên thông với trời, dưới thông với đất, chứ không phải kích thích
riêng lẻ từng bộ phận, từng cơ quan như quan niệm của y học phương Tây.
Theo đó, Minh Mạng thang là một loại thuốc bổ chứ
không phải là thang thuốc dâm dược mà nhiều tác giả trước đây đã vô tình hay cố
ý đề cập làm cho nhiều người hiểu sai lệch!”, lương y Thích Tuệ Tâm nhận định.