(VP) - Cầu Ngói Thanh Toàn là
chiếc cầu vồng bằng gỗ, có chiều dài 17m, chiều rộng 4m, hai bên thân cầu có
hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống
tráng men chia làm 7 gian. Cầu gỗ Thanh Toàn vào loại hiếm và có giá trị nghệ
thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.
Cầu ngói Thanh Toàn là một di tích kiến trúc cổ có giá
trị về mặt lịch sử và văn hóa. Chiếc cầu được xây dựng cách đây hơn hai thế
kỷ, đã bao lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, sau các
lần hư hỏng, nhân dân xã đều chung nhau tu sửa, tôn tạo và gìn giữ nó.
Cầu bắc qua con
hói nằm ở cuối làng Thanh Thủy, xã Thủy Thanh,thị xã Hương Thủy. Đây là
một làng ven đô, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km. Hệ thống giao thông
khá thuận tiện. Vị trí của làng khá đặc biệt, gần như nằm giữa một cánh đồng.
Tách biệt với các làng khác xung quanh bằng những cánh đồng nhỏ.
Có thể đến Cầu Ngói từ 3
hướng: đi trên Quốc lộ 1A qua cánh đồng Thanh Lam - Lợi Nông và đến
Cầu Ngói; hoặc đi theo Quốc lộ 49, qua Dạ Lê - Vân Thê rồi đến Cầu Ngói;
hoặc theo đường Trường Chinh - Kiểm Huệ - Hoàng Quốc Việt - Lang Xá đến Cầu
Ngói. Đường này ngắn và tốt nhất (khoảng 6km, đường rải nhựa).
Hiện nay, tỉnh đang thi
công một tuyến đường liên xã nối làng Thanh Thủy với Thủy Dương và cũng thông
với quốc lộ 1A .
Ngoài ra còn một tuyến
khác từ cảng Thuận An đi ngang qua Lang Xá để gặp quốc lộ 1A, tuyến này cũng
đang được xây dựng với quy mô lớn, tuyến này cách làng khoảng 3 km. Hai tuyến
này hoàn thành sẽ tăng thêm khả năng tiếp cận của làng với thành phố Huế và các
vùng lân cận.
Trong hơn 10 năm qua, số lượng khách du lịch đến với
vùng quê xã Thủy Thanh, Cầu ngói Thanh Toàn ngày càng tăng, vào mùa cao điểm
(từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm) mỗi ngày có gần 200 lượt khách (chủ yếu là
khách quốc tế) đến tham quan; vào mua thấp điểm, trừ những ngày mưa lũ, số
lượng khách cũng lên đến gần 100 lượt. Sự cuốn hút của làng quê Cầu ngói Thanh
Toàn không chỉ ở cảnh quan thiên nhiên, tính độc đáo của cây cầu gỗ và các ngôi
đình làng, các nhà thờ họ tộc; còn rất nhiều giá trị du lịch cần được khai thác
và khám phá như các lễ hội truyền thống, sản suất nông nghiệp, cuộc sống làng
quê….
Ngoài tour du lịch chợ
quê được tổ chức hai năm một lần, phần lớn du khách đến Cầu Ngói trong thời
gian còn lại là tự phát. Họ không được hưởng một dịch vụ du lịch nào của địa
phương và ngược lại địa phương cũng không thu lại được nhưng lợi ích kinh tế
nào đáng kể từ du lịch Cầu Ngói. Thực tế lượng khách đến Cầu Ngói là liên tục
quanh năm, đặc biệt là khách quốc tế hầu như ngày nào cũng có. Tuy nhiên, du
khách, nhất là khách đi lẻ, họ thường đến tham quan một lúc, ngồi trên cầu hóng
mát rồi quay về. Đó là chưa kể tâm lý của khách du lịch khi đến với Cầu Ngói
thường bị hụt hẫng hoặc là tiếc rẻ cho một điểm du lịch đầy tiềm năng như thế
lại chưa được đầu tư đúng mức. Điều này gây ra một tâm lý thất vọng trong lòng
du khách. Rất khó gây lại thiện cảm cho những lần sau cũng như việc giới thiệu,
quảng bá cho nhiều người khác cùng đến thăm.
Bên cạnh đó, sự tham gia của người dân vào phát triển
du lịch cũng chưa được nhiều.Ngoài ra việc nâng cao kỹ năng, hiểu biết về phục
vụ du lịch là rất cần thiết.
Việc giúp đỡ xây dựng một mô hình du lịch nông thôn ở
Cầu Ngói Thanh Toàn rất phù hợp với định hướng phát triển của ngành, vừa góp
phần tạo ra một sản phẩm du lịch có thương hiệu, vừa có điều kiện để người dân
hợp tác tham gia nhằm cải thiện sinh kế, vì vậy dự án sẽ có tính khả thi cao.
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Tổ chức Hợp
tác Quốc tế Nhật bản (JICA), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế
đang tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức JICA để triển khai dự án
xây dựng một mô hình phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng. Dự án sẽ
được triển khai vào tháng 4/2012 và sẽ được bắt đầu bằng chuyến khảo sát thực
địa cùng với người dân xã Thủy Thanh của 9 tình nguyện viên Nhật bản được tổ
chức vào ngày 17/3/2012.
Dự án với mục đích khai thác tài nguyên du lịch
thiên nhiên, văn hóa vùng nông thôn xã Thủy Thanh nhằm phát triển kinh tế xã
hội tỉnh nói chung và phát triển du lịch nói riêng; đa dạng hoá loại hình, sản
phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách làm cơ sở chuyển đổi cơ
cấu kinh tế lấy ngành dịch vụ làm trọng tâm; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng
đồng địa phương tham gia làm du lịch, giải quyết vấn đề lao động và đem lại thu
nhập cho người dân.