Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn... là những cái tên không còn xa lạ mỗi khi nhắc đến Quảng Trị. Thế nhưng đã mấy ai biết rằng, cũng chính tại mảnh đất máu lửa này còn có một nơi yên nghỉ của những người lính Tây Sơn áo vải, cờ đào một thời theo vua Quang Trung ra Bắc đánh đuổi giặc Thanh xâm lược. Và, như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nói: “Đây là nghĩa trang đầu tiên của người lính Việt”...
Nằm phía bên kia con kênh Thạch Hãn, thuộc địa phận làng Thạch Hãn xưa (nay là khu phố 8, phường 3, thị xã Quảng Trị), có một nghĩa trang là nơi yên nghỉ của hàng trăm người lính Tây Sơn áo vải cờ đào đã ngã xuống trong cuộc Bắc tiến chinh phạt quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789, với tên gọi “Nghĩa Trũng Đàn”...
Nhưng, giờ đây cuộc sống hiện đại và công nghiệp xô bồ nhộn nhịp đã biến ngôi làng cổ Thạch Hãn năm nào trở thành khu phố sầm uất, bụi bặm. Người gốc làng Thạch Hãn xưa cũng chẳng còn mấy ai, nên lớp trẻ ít người biết đến Nghĩa Trũng Đàn – nơi chôn cất những người lính chiến Tây Sơn. Lần hỏi mãi chúng tôi mới tìm được cụ Phạm Bá Khanh (82 tuổi) là một nhân chứng sống của làng cổ Thạch Hãn còn lưu giữ được trong tâm khảm dấu ấn về Nghĩa Trũng Đàn. Đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, song cụ Khanh khá minh mẫn. Cụ đưa chúng tôi đến Nghĩa Trũng Đàn, rồi trầm ngâm kể lại...
Thì ra, vào thời vua Tự Đức thứ 25 (năm 1872), ngài Hoàng Hữu Lợi, tước Trung nghị Đại phu phó Đô ngự sử, tiền nhân 12 đời Hoàng tộc làng Bích Khê (Triệu Phong, Quảng Trị) trong một chuyến đi thị sát vô tình chứng kiến nhiều phần mộ của những lưu dân Nam tiến dọc sông Thạch Hãn bị sạt lở, lộ cả hài cốt ra ngoài. Cảm thương cho những số phận những người bất hạnh, ông cùng phu nhân bỏ tiền phát quang, mua một khu đất có địa thế đẹp, hợp phong thủy tại làng Thạch Hãn để làm nơi yên nghỉ cho các phần mộ vô chủ kia. Và cái tên Nghĩa Trũng Đàn ra đời từ đó...
Nghĩa Trũng Đàn được chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị phục dựng, trở thành một di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh.
Cho đến đời con của cụ Lợi, Hiệp biện Đại học sĩ, Bình Như Hoàng Hữu Xứng, sau này là quan Tuần Vũ tại Hà Nội, trong nhiều lần đi tuần hành khảo sát qua thành, tình cờ bắt gặp không ít ngôi mộ vô chủ nằm dọc ngang, không theo lề lối, chẳng ai chăm sóc, hỏi người dân địa phương thì ông mới biết đây chính là phần mộ của những nghĩa quân Tây Sơn đã từng theo vua Quang Trung đi dẹp giặc cứu nước, trên đường đi bị bệnh bỏ mạng nằm lại nơi này.
Nghe vậy, quan Tuần Vũ chợt nghĩ, đến xác quân Thanh chết trận khi xâm chiếm nước ta còn được quy tập xương cốt chôn cất và cho lập đàn cúng tế hằng năm, huống chi đây là những nghĩa binh con em đất Việt đã hy sinh máu xương vì Tổ quốc... Nghĩ thế, ông bèn thuê người cất bốc được gần 1.000 hài cốt, đồng thời xin chính quyền triều Nguyễn mở rộng khu đất Nghĩa Trũng Đàn mà thân phụ ông đã mua năm xưa tại làng Thạch Hãn để làm nơi chôn cất.
Cụ Phạm Bá Khanh thắp hương trước bia Đàn Nghĩa Trũng.
Kể từ đó, Đàn Nghĩa Trũng chính thức trở thành nghĩa trang của những người lính Tây Sơn và một phần nhỏ của những linh hồn bơ vơ. Dân làng Thạch Hãn và con cháu họ Hoàng hằng năm cứ 25 tháng Chạp thường xuyên về đây cúng giỗ... Tự nguyện trông coi, hương khói Đàn Nghĩa Trũng từ lúc mới trưởng thành đến nay đã tóc bạc, răng long, cụ Khanh móm mém bảo: “Tui nghĩ đó là trách nhiệm mà bậc hậu thế phải làm…”.
Dưới thời vua Thành Thái, Nghĩa Trũng Đàn được hưởng quy chế quốc gia, với nhiều ưu đãi do chính quyền tỉnh Quảng Trị quản lý, cấp ruộng tư điền, miễn sưu, phong hàm cho những người trực tiếp săn sóc, quản lý nghĩa trang, xuân thu nhị kỳ tế lễ có quan Tuần Vũ Quảng Trị đứng chủ tế...
Và thật kỳ lạ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Nghĩa Trũng Đàn đã hứng chịu không ít mưa bom, bão đạn. Theo nhiều người cao tuổi gốc làng Thạch Hãn xưa kể lại: Có lần do muốn lấy làng làm căn cứ chiếm đóng, giặc Mỹ đã cho xe tăng đến san phẳng từng nhà. Nhưng đến Nghĩa Trũng Đàn thì xe lại bị tuột xích, tắt máy. Bọn địch tức tối, liền cho thêm 2 xe khác tiến vào cũng thất bại. Hoảng quá, chúng liền đưa xe bỏ đi và không dám tới đây tàn phá nữa. Tuy nhiên, bom đạn tàn phá khiến khu nghĩa trang năm nào giờ chỉ còn là 1 gò đất cao 1m, rộng gần 20m và dài hơn 70m...
Sau ngày hòa bình lập lại, làng Thạch Hãn bước vào công cuộc phát triển kinh tế địa phương. Và những câu chuyện về Nghĩa Trũng Đàn năm xưa cũng được khơi lại. Con cháu họ Hoàng làng Bích Khê cùng với các vị kỳ lão làng Thạch Hãn cùng góp sức, thay nhau coi quản Nghĩa Trũng Đàn. Và trong nhiều lần đại trùng tu, tấm văn bia đặt tại đàn do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (dòng dõi thứ 16 của họ Hoàng) đã hoàn thành, trong đó có lời tựa: “Tổ tiên vun trồng, hậu bối từng ngày vun đắp để cây Đức mãi mãi xanh tươi. Đó là nghiêm huấn của các tiền hiền đã lao khổ dựng nghiệp nơi quê hương linh kiệt. Con cháu Hoàng tộc khắc cốt mang theo dù phải sống ly hương khắp bốn phương trời”.
Ghi nhận những giá trị lịch sử to lớn cũng như tạo thuận lợi cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy những giá trị vốn có của Nghĩa Trũng Đàn, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định công nhận Nghĩa Trũng Đàn là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
Nguyễn Tiến Nhất