Cửu Đỉnh ở Đại Nội Huế là báu vật bằng đồng vô giá của nước ta, một bộ “Đại Nam nhất thống chí” bằng hình ảnh vô cùng độc đáo và hoành tráng, được đúc khắc trên chín đỉnh đồng đồ sộ đầu tiên của Việt Nam. Đây là một tượng đài văn hóa Việt trường tồn vĩnh viễn. Nghiên cứu các cảnh được chọn, ta thấy vua Minh Mạng hiểu giang sơn gấm vóc Việt Nam vô cùng thâm hậu. 9 đỉnh là : Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương Đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh, Huyền Đỉnh. Mỗi đỉnh có khắc 17 cảnh sông, núi, mây, gió, hoa cỏ, cây trái đặc trưng từng tỉnh ở 3 miền Việt Nam, tổng cộng có 153 hình ảnh.
Trong sách “Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế” (NXB Thi Thức,1/2011), nhà văn Dương Phước Thu đã mô tả từng hình ảnh một rất tỉ mỉ. Nhà văn có một phát hiện thú vị, tất cả các loại cảnh vật khắc trên đỉnh đều được chọn lọc và sắp xếp theo con số 9: 9 ngọn núi lớn, 9 con sông lớn; 9 loài chim; 9 con sông đào... Đất nước Việt Nam ta núi thì nhiều, sông cũng lắm, chọn 9 ngọn núi, 9 con sông thôi là sự lựa chọn rất khó khăn. Và Minh Mạng, vị vua anh minh nhất triều Nguyễn đã chọn khắc những ngọn núi, con sông, những sản vật có vị trí rất đích đáng trong lịch sử hình thành đất nước.
Trong 153 hình ảnh được chọn khắc, ngoài các sản vật nông nghiệp như cây lúa tẻ, lúa nếp, cây hành, đậu ván, cây tỏi, hoa ngọc lan, hoa hồng, hoa sen... ở tỉnh nào cũng có, thì hình ảnh ấn tượng nhất, là biểu trưng của đất Quảng Trị được chọn khắc là sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định. Thạch Hãn là con sông tự nhiên, Vĩnh Định là con sông đào.
Sông Thạch Hãn (Thạch Hãn Giang), theo nhà văn Dương Phước Thu trong sách đã dẫn trên thì thời Trần, sông có tên là Thái Già, chảy qua hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Sông bắt nguồn từ vùng núi cao huyện Hướng Hóa, giáp giới Lào. Sông chảy theo hướng tây bắc, đến bãi Ái Tử, chảy chừng 33 dặm thì có thêm nguồn nước Viên Kiệu chảy vào, rồi chuyển sang hướng đông nam.
Hành trình của sông Thạch Hãn qua nhiều khúc đoạn. Từ Ái Tử qua Ngưu Cước, tục gọi là nguồn Trang, qua bến Lương Mai, qua bến Trinh Thạch. Ở đây có hai dòng khe từ phía nam qua phường Trà Trì chảy vào, rồi qua Khe Trái, qua chợ Như Lệ, qua xã Thạch Hãn. Ở đây có một thân đá nhô lên trên mặt nước, nằm ngang từ trái sang phải, cốt đá trập trùng, nên có tên là Thạch Hãn (?). Sông lại chảy qua phía tây Thành Cổ Quảng Trị, qua ngã ba làng Cổ Thành. Đến địa phận hai làng An Tiêm và Xuân Yên thì chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy về phía đông nam đổ vào sông đào Vĩnh Định. Một nhánh chảy về phía đông bắc, qua ngã ba Vĩnh Phước, rồi qua ngã ba Gia Độ, qua ngã ba Giáo Liêm, chảy thêm 10 dặm nữa là đổ ra Cửa Việt.
Tổng cộng, sông Thạch Hãn dài 155 cây số. Sông bắt nguồn rất xa, chảy qua nhiều địa hình nên nước trong và ngọt. Ngạn ngữ có câu “Bất vi xạ nào, diệc thị trầm đàn; bất vi quỳnh tương diệc thị cam lễ” (Chẳng phải xạ hương long não, thì cũng trầm hương đàn hương; chẳng phải quỳnh tương thì cũng cam lễ). Câu này là sự xưng tụng rất chính xác phẩm chất của nước sông Thạch Hãn. Ở Quảng Trị, người ta tóm lược thành “Chẳng thơm cũng thể hương đàn. Chẳng trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra” để chỉ phẩm chất của con người Quảng Trị.
Năm Minh Mạng thứ 17, hình ảnh sông Thạch Hãn được khắc vào Thuần Đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 2, xa giá Bắc tuần, khi qua sông này, nhà vua có thơ đề vịnh. Năm Tự Đức thứ 3, 1850, vua liệt Thạch Hãn vào hàng các sông lớn, ghi vào điển thờ.
Sông Thạch Hãn là nhân chứng lịch sử 81 ngày đêm quân và dân Quảng Trị làm chủ Thành Cổ trong chiến dịch Tổng công kích năm 1972. Rất nhiều chiến sĩ ta đã hy sinh ở đây. Bây giờ mỗi lần qua sông, ai cũng nhớ câu thơ của CCB Lê Bá Dương viếng đồng đội của mình:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi nghìn năm
Sông Thạch Hãn nổi tiếng với các thứ cá, tôm, cua, ốc... Đầu nguồn sông, nơi ghềnh đá có giống cá chạch chấu (cá chình), mình dài, thịt rất ngon. Cùng với non Mai, sông Hãn chính là thủy mạch linh diệu của miền Châu Ô.
Sông đào Vĩnh Định (Vĩnh Định Hà) chảy về phía đông của huyện Hải Lăng, chia nước từ ngã ba làng Cổ Thành của sông cái Thạch Hãn, chảy qua thôn La Duy, lại chảy qua làng Trung Đơn rồi vào làng Lương Điền. Thời trước, làng Trung Đơn có một đường kênh, sau bị phù sa, cát bồi lấp thành cạn, thuyền bè khó đi. Thời chúa Nguyễn, năm Tân Dậu thứ 33, đã cho vét đào, lâu ngày lại tắc. Đến năm Quý Dậu, Minh Mạng thứ 6 (1825), vua sai thống chế Phan Văn Thúy, người làng Đạo Đầu, huyện Triệu Phong đốc thúc 3.700 dân phu Thừa Thiên và Quảng Trị đến đào lại kênh, từ làng Diên Kinh đến làng Trung Đơn, dài 1.720 trượng.
Vật liệu cần dùng thì quan phải mua, không được lấy của dân. Đào 3 tháng thì xong, nhà vua thân ban cho tên gọi của sông đào là Vĩnh Định. Lại sai dinh thần đem trâu rượu đến khoản đãi dân phu. Đến năm Minh Mạng thứ 17, xa giá nhà vua tuần du ra Quảng Trị, khi thuyền ngự đi qua sông này, thấy cảnh làng mạc bình yên, mùa màng tươi tốt, dân thu được nhiều mối lợi từ việc đào sông dẫn thủy, vua Minh Mạng cảm xúc đã có thơ ngự chế khắc vào đá Thanh và dựng nhà bia ở bờ nam sông. Cũng vào năm ấy, vua quyết định chọn sông đào Vĩnh Định khắc vào Cửu Đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 2, xa giá bắc tuần, nhà vua có thơ ngự chế khắc vào bia đá dựng ở bờ sông.
Thời trước, sông Vĩnh Định bồi đắp phù sa cho đồng ruộng cả vùng. Hàng năm vẫn thường được triều đình cho nạo vét để giữ dòng chảy. Có những năm hạn hán, Quảng Trị mất mùa, bão lũ liên miên, triều đình dưới thời vua Tự Đức sai quan quân tổ chức phát chẩn, cứu đói cho dân, nhân đấy quan chức địa phương sức dân đi nạo vét sông Vĩnh Định, chiếu ngày công mà cấp lương thực, để mau có nước tưới cho ruộng đồng hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng.
Ngày trước, thương khách buôn đò dọc từ Quảng Bình đến Quảng Trị rồi vào Huế hoặc ngược lại thường theo dòng sông này mà đi, đường gần hơn đường biển vài chục dặm. Tiếc rằng, sông đào Vĩnh Định hiện nay không còn được phát huy chức năng như xưa, nhiều đoạn bị lấp cạn, tắc dòng, nước tụ, thuyền bè khó đi, không như hình ảnh sang trọng của sông được khắc trên Cửu Đỉnh.
Ngoài hai hình ảnh đặc trưng nói trên, quê hương Quảng Trị còn có nhiều sản vật quý vua chọn khắc như chim yến (Yến Oa ) trên Tuyên Đỉnh, Cá sấu ( Ngọc Ngư) trên Chương Đỉnh, rùa biển trên Nghị Đỉnh, hoa ngọc lan trên Huyền Đỉnh...Không biết đến nay các sản vật trên có còn không?
Trong 153 hình ảnh được chọn khắc, ngoài các sản vật nông nghiệp như cây lúa tẻ, lúa nếp, cây hành, đậu ván, cây tỏi, hoa ngọc lan, hoa hồng, hoa sen... ở tỉnh nào cũng có, thì hình ảnh ấn tượng nhất, là biểu trưng của đất Quảng Trị được chọn khắc là sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định. Thạch Hãn là con sông tự nhiên, Vĩnh Định là con sông đào.
Sông Thạch Hãn (Thạch Hãn Giang), theo nhà văn Dương Phước Thu trong sách đã dẫn trên thì thời Trần, sông có tên là Thái Già, chảy qua hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Sông bắt nguồn từ vùng núi cao huyện Hướng Hóa, giáp giới Lào. Sông chảy theo hướng tây bắc, đến bãi Ái Tử, chảy chừng 33 dặm thì có thêm nguồn nước Viên Kiệu chảy vào, rồi chuyển sang hướng đông nam.
Hành trình của sông Thạch Hãn qua nhiều khúc đoạn. Từ Ái Tử qua Ngưu Cước, tục gọi là nguồn Trang, qua bến Lương Mai, qua bến Trinh Thạch. Ở đây có hai dòng khe từ phía nam qua phường Trà Trì chảy vào, rồi qua Khe Trái, qua chợ Như Lệ, qua xã Thạch Hãn. Ở đây có một thân đá nhô lên trên mặt nước, nằm ngang từ trái sang phải, cốt đá trập trùng, nên có tên là Thạch Hãn (?). Sông lại chảy qua phía tây Thành Cổ Quảng Trị, qua ngã ba làng Cổ Thành. Đến địa phận hai làng An Tiêm và Xuân Yên thì chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy về phía đông nam đổ vào sông đào Vĩnh Định. Một nhánh chảy về phía đông bắc, qua ngã ba Vĩnh Phước, rồi qua ngã ba Gia Độ, qua ngã ba Giáo Liêm, chảy thêm 10 dặm nữa là đổ ra Cửa Việt.
Tổng cộng, sông Thạch Hãn dài 155 cây số. Sông bắt nguồn rất xa, chảy qua nhiều địa hình nên nước trong và ngọt. Ngạn ngữ có câu “Bất vi xạ nào, diệc thị trầm đàn; bất vi quỳnh tương diệc thị cam lễ” (Chẳng phải xạ hương long não, thì cũng trầm hương đàn hương; chẳng phải quỳnh tương thì cũng cam lễ). Câu này là sự xưng tụng rất chính xác phẩm chất của nước sông Thạch Hãn. Ở Quảng Trị, người ta tóm lược thành “Chẳng thơm cũng thể hương đàn. Chẳng trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra” để chỉ phẩm chất của con người Quảng Trị.
Năm Minh Mạng thứ 17, hình ảnh sông Thạch Hãn được khắc vào Thuần Đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 2, xa giá Bắc tuần, khi qua sông này, nhà vua có thơ đề vịnh. Năm Tự Đức thứ 3, 1850, vua liệt Thạch Hãn vào hàng các sông lớn, ghi vào điển thờ.
Sông Thạch Hãn là nhân chứng lịch sử 81 ngày đêm quân và dân Quảng Trị làm chủ Thành Cổ trong chiến dịch Tổng công kích năm 1972. Rất nhiều chiến sĩ ta đã hy sinh ở đây. Bây giờ mỗi lần qua sông, ai cũng nhớ câu thơ của CCB Lê Bá Dương viếng đồng đội của mình:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi nghìn năm
Sông Thạch Hãn nổi tiếng với các thứ cá, tôm, cua, ốc... Đầu nguồn sông, nơi ghềnh đá có giống cá chạch chấu (cá chình), mình dài, thịt rất ngon. Cùng với non Mai, sông Hãn chính là thủy mạch linh diệu của miền Châu Ô.
Sông đào Vĩnh Định (Vĩnh Định Hà) chảy về phía đông của huyện Hải Lăng, chia nước từ ngã ba làng Cổ Thành của sông cái Thạch Hãn, chảy qua thôn La Duy, lại chảy qua làng Trung Đơn rồi vào làng Lương Điền. Thời trước, làng Trung Đơn có một đường kênh, sau bị phù sa, cát bồi lấp thành cạn, thuyền bè khó đi. Thời chúa Nguyễn, năm Tân Dậu thứ 33, đã cho vét đào, lâu ngày lại tắc. Đến năm Quý Dậu, Minh Mạng thứ 6 (1825), vua sai thống chế Phan Văn Thúy, người làng Đạo Đầu, huyện Triệu Phong đốc thúc 3.700 dân phu Thừa Thiên và Quảng Trị đến đào lại kênh, từ làng Diên Kinh đến làng Trung Đơn, dài 1.720 trượng.
Vật liệu cần dùng thì quan phải mua, không được lấy của dân. Đào 3 tháng thì xong, nhà vua thân ban cho tên gọi của sông đào là Vĩnh Định. Lại sai dinh thần đem trâu rượu đến khoản đãi dân phu. Đến năm Minh Mạng thứ 17, xa giá nhà vua tuần du ra Quảng Trị, khi thuyền ngự đi qua sông này, thấy cảnh làng mạc bình yên, mùa màng tươi tốt, dân thu được nhiều mối lợi từ việc đào sông dẫn thủy, vua Minh Mạng cảm xúc đã có thơ ngự chế khắc vào đá Thanh và dựng nhà bia ở bờ nam sông. Cũng vào năm ấy, vua quyết định chọn sông đào Vĩnh Định khắc vào Cửu Đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 2, xa giá bắc tuần, nhà vua có thơ ngự chế khắc vào bia đá dựng ở bờ sông.
Thời trước, sông Vĩnh Định bồi đắp phù sa cho đồng ruộng cả vùng. Hàng năm vẫn thường được triều đình cho nạo vét để giữ dòng chảy. Có những năm hạn hán, Quảng Trị mất mùa, bão lũ liên miên, triều đình dưới thời vua Tự Đức sai quan quân tổ chức phát chẩn, cứu đói cho dân, nhân đấy quan chức địa phương sức dân đi nạo vét sông Vĩnh Định, chiếu ngày công mà cấp lương thực, để mau có nước tưới cho ruộng đồng hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng.
Ngày trước, thương khách buôn đò dọc từ Quảng Bình đến Quảng Trị rồi vào Huế hoặc ngược lại thường theo dòng sông này mà đi, đường gần hơn đường biển vài chục dặm. Tiếc rằng, sông đào Vĩnh Định hiện nay không còn được phát huy chức năng như xưa, nhiều đoạn bị lấp cạn, tắc dòng, nước tụ, thuyền bè khó đi, không như hình ảnh sang trọng của sông được khắc trên Cửu Đỉnh.
Ngoài hai hình ảnh đặc trưng nói trên, quê hương Quảng Trị còn có nhiều sản vật quý vua chọn khắc như chim yến (Yến Oa ) trên Tuyên Đỉnh, Cá sấu ( Ngọc Ngư) trên Chương Đỉnh, rùa biển trên Nghị Đỉnh, hoa ngọc lan trên Huyền Đỉnh...Không biết đến nay các sản vật trên có còn không?
(QT-Xuân 2012)