Được kế tục ngôi báu từ vua cha Gia
Long (1762-1820), là vị vua thứ 2 triều Nguyễn, nhắc đến Vua Minh Mạng, người
đời thường liên tưởng đến hình ảnh ông vua có nhiều con nhất trong 13 đời vua
Nguyễn (142 người con, gồm 74 hoàng nam và 68 hoàng nữ) và năng lực giường
chiếu phi thường "nhất dạ lục giao" (một đêm gần gũi với 6 cung tần
mỹ nữ)… của ông vua này. Còn chuyện Vua Minh Mạng từng bí mật chôn nhiều hầm
châu báu trong Đại Nội (Huế) thì chẳng mấy ai tỏ tường. Đơn giản vì điều này
đến nay vẫn chưa thấy sách báo nào đề cập.
Khi đến tham quan lăng Vua Minh Mạng,
trò chuyện với một số bậc cao niên người địa phương, chúng tôi tình cờ biết
được thông tin thuộc vào dạng thâm cung bí sử kia. Tưởng rằng đấy chỉ là giai
thoại, là đồn đại của nhân gian, ai ngờ vào cuộc mới rõ thông tin kho báu bí
mật dưới lòng đất Đại Nội là chuyện có thật!
Ngày 3/2/1820, Vua Gia Long - vị vua
sáng lập triều Nguyễn cưỡi rồng chầu trời (thọ 58 tuổi). Theo di chiếu của Vua
Gia Long, triều thần tôn hoàng thái tử thứ 4 làm thiên tử, tức Vua Minh Mạng.
Sinh ngày 25/5/1791, tên húy của Vua Minh Mạng là Nguyễn Phúc Đảm, tước hiệu
Tăng Duệ Hoàng Thái tử. Ngày 20/1/1841, sau 21 năm trị vì, Vua Minh Mạng băng
hà, thọ 50 tuổi. Vì không nghĩ mình sớm qua đời nên Vua Minh Mạng không chú
trọng việc xây lăng tẩm cho mình.
Năm 1840 - năm trị vì thứ
20, ông vua thứ 2 triều Nguyễn mới cho xây dựng lăng nhưng một năm sau thì
ông mất. Kế tục ngôi báu của vua cha, Vua Thiệu Trị tiếp tục cho triển khai xây
lăng tẩm cho tiên đế, đến năm 1843 thì công việc xây lăng hoàn tất. Được gọi là
Hiếu Lăng, Lăng Minh Mạng tọa lạc dưới chân núi Cẩm Kê, thuộc địa phận xã Hương
Bằng, huyện Hương Trà. Theo tư liệu của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế,
trong thời gian trị vì Vua Minh Mạng có nhiều cải cách quan trọng như bỏ dinh -
trấn mà thành lập tỉnh, định lại quan chế, khuyến khích dân khai hoang lập ấp,
lập nhà dưỡng tế giúp đỡ người nghèo khổ, tàn tật, già cả không nơi nương tựa ở
các tỉnh, đề cao Nho học, khuyến khích nhân tài ra giúp nước....
Cổng chính vào lẵng Minh Mạng
Thông tin về Vua Minh Mạng, có thể
tóm tắt như thế. Những thông tin về vị vua được xem là anh minh này thế nhân đã
nói nhiều, luận nhiều. Vấn đề cốt lõi mà chúng tôi muốn hiểu rõ có đúng Vua
Minh Mạng từng lệnh cho trọng thần chôn rất nhiều kho báu, hầm bạc trong khu
vực Đại Nội và một trong số những kho bạc ấy đã từng bị người Pháp phát hiện và
biển thủ?
Có hay không còn nhiều hầm bạc khác
đang nằm đâu đó trong phạm vi kinh thành Huế mà dù đã cất công kiếm tìm, hậu
nhân chẳng thể nào phát hiện được vì tiếng đồn những hầm báu vật ấy đã được
trấn yểm?! Chuyện rằng sau khi bí mật đào hầm khiêng hàng trăm, có khi hàng
ngàn rương bạc, châu báu đặt vào các thạch thất, toán lính đã tình nguyện chết
để mang theo bí mật xuống mồ theo tinh thần "vua kêu tử thần tử" (vua
bảo chết thần chết). Chỉ mỗi Vua Minh Mạng là người nắm giữ mật đồ chôn các kho
báu.
Câu chuyện kho báu - hầm bạc này
chúng tôi biết được từ chia sẻ của cụ Nguyễn Phúc M. lúc gặp tại Lăng Vua Minh
Mạng. Không như phần tẩm của vua cha Gia Long nằm lộ thiên, tẩm của ông
"vua trăm con" là cả một ngọn đồi nhân tạo cây cối um tùm được bao
quanh bởi vòng thành vững chãi, cửa đồng đóng kín mỗi năm chỉ mở một lần. Khi
thấy chúng tôi loay hoay chẳng biết mộ vua ở đâu, cụ M. (yêu cầu không nêu rõ
tên) bật mí ngọn đồi bí hiểm sau cánh cửa đồng kia chính là tẩm của vị vua nổi
tiếng quyết đoán và có tài thao lược.
Từ sẻ chia của cụ M., chúng tôi mới
biết ngọn đồi kia ẩn chứa nhiều bí ẩn của lịch sử bởi chẳng ai biết được bên
trong nó có bao nhiêu đường hầm bí mật và tử cung (áo quan) Vua Minh Mạng nằm ở
đường ngầm nào. Và còn nhiều bí ẩn khác như vua được an táng với bao nhiêu đồ
ngự dụng (đồ vua dùng) bằng vàng bạc châu báu, và có bao nhiêu người lính, hầu
cận chết theo vua để bí ẩn mộ vua được giữ kín ngàn đời?! Cũng từ cuộc gặp gỡ
thú vị ấy, chúng tôi được cụ M. sẻ chia câu chuyện kho báu của Vua Minh Mạng mà
cụ được cụ thân sinh kể lại từ bật mí của ông nội ngày trước vốn là mệnh quan
triều Nguyễn!
Thông tin ban đầu về những hầm bạc,
kho báu bí ẩn của Vua Minh Mạng là như thế, chẳng có gì hơn. Chỉ biết rằng Đại
Nội được xây dựng vào năm 1804 dưới triều Vua Gia Long, đến năm 1833 được Vua
Minh Mạng quy hoạch hoàn chỉnh như hiện nay (gồm 38ha, trung tâm trị vì của
vương triều Nguyễn). Hỏi thăm những người làm công tác bảo vệ lăng về chuyện
kho báu hầm bạc này, ai nấy đều lắc đầu không biết.
Lần tìm từ các tư liệu của nội các
triều Nguyễn như “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ”, “Đồng Khánh Khải Định chính
yếu”... và hàng chục tập sách ghi chép của “Những người bạn cố đô Huế” (ký hiệu
BAVH) vốn tập trung những bài viết thuộc dạng thâm cung bí sử triều Nguyễn của
những quan đại thần, người Pháp yêu Huế từ thời các Vua Gia Long, Minh Mạng
nhưng buồn làm sao, nỗ lực kiếm tìm kho báu mà Vua Minh Mạng chôn sâu dưới lòng
đất Đại Nội của chúng tôi đã không có được kết quả như mong muốn!
Đang lúc tiếp tục sục sạo kiếm tìm từ
các thư tịch cổ vẫn chưa thấy kết quả thì may sao chúng tôi nhận được tin vui
của cụ M. rằng trong “Đại Nam thực lục” (Quốc sử quán triều Nguyễn) có đề cập
đến thông tin về hầm bạc của Vua Minh Mạng. Lần mò theo mách bảo này của cụ M.,
sau gần một tháng lần mò khắp các hiệu sách, thư viện "săn tìm" và
"nhai" kỹ, rồi tin vui cũng đến khi chúng tôi phát hiện có đến 3 hầm
bạc giá trị của Vua Minh Mạng được tìm thấy thời Vua Thành Thái và Duy Tân. Cần
nói rõ rằng 2 vị vua Nguyễn trên vì yêu nước đã bị Pháp lưu đày, sống cuộc đời
khổ sở nhưng đầy ngạo khí!
Thông tin hầm bạc đầu tiên của Vua
Minh Mạng được phát hiện vào thời Vua Thành Thái. Theo đó, vào năm Thành Thái
thứ 11 (1899), Khâm sứ đại thần Boulloche sau khi nhận được tin báo của Hoằng
Trị quận vương Hồng Tố nói đời Vua Minh Mạng và Thiệu Trị có chôn nhiều bạc
trong Đại Nội đã phái quan hội đồng (quận vương Hồng Tố, Thượng thư Bộ Công
Nguyễn Thuật, Thượng thư Bộ Lễ Huỳnh Vĩ, Hội biện Sô Lê, Đô Ty, quận công Ưng
Huy, Tham biện Tôn Thất Hoài Điển) và phát 100 phu khỏe theo nơi được chỉ đào
và tìm thấy 1 hầm bạc ba vết (là loại bạc chuẩn của triều Nguyễn, trên thường
có 3 cụm chữ triện đóng riêng rời. Khâm sứ đại thần bàn trích 30.000 nén do
Thượng thư Bộ Hộ Trương Như Cương, Hội biện Đô Ty chở ra Ngân hàng Hải Phòng
đổi lấy tiền chi biện các việc công ích. Về sau ông khâm sứ đại thần nói với
vua số bạc ấy trừ thuế, phí tổn đài tải quy ra tiền tổng cộng 460.350 đồng, gửi
Ngân hàng Thượng Hải.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn giá trị của
hầm bạc này, chúng tôi xin được minh họa bằng vài ghi chép ngắn về trị giá của
tiền đồng thời ấy: "Chuẩn trích tiền (147 đồng) cấp trả cho tỉnh Quảng Trị
cấp phát sách vở cho các học đường... Tu bổ Quốc sử quán, chi tiền 2.399
đồng... Sai Bộ Công tu bổ xây dựng đường sá trong kinh thành (đường từ phía sau
Quốc sử quán tới cổng Trường Canh nông dài 871 thước Tây, chi tiền 746 đồng 9
hào...".
Một góc Đại Nội
Từ cơ sở một số nhà sưu tập hiện có
được bạc thỏi ba vết được đúc dưới thời Vua Minh Mạng, trong đó có thỏi nổi rõ
ba cụm chữ "Minh Mạng, Quý Tị, Nội nô đúc năm Quý Tị 1833", mới thấy
sau 63 năm nằm ẩn dưới lòng đất Đại Nội (cũng có thể lâu hơn vì thời điểm năm
1833 đồng nghĩa với việc Vua Minh Mạng nối ngôi được 13 năm, có thể vua đã cho
đúc bạc dự trữ quốc khố trước đó), hầm bạc của Vua Minh Mạng mới được tìm thấy.
Điều này chứng tỏ rằng chẳng còn nghi ngờ gì nữa, sẻ chia về hầm bạc và có thể
là những hầm kho báu khác của vị vua thứ 2 triều Nguyễn là chuyện có thật.
Và như chúng tôi dự đoán, hầm bạc
được Khâm sứ đại thần Boulloche tìm thấy không phải là hầm bạc duy nhất. 6 năm
sau, năm Duy Tân thứ 9 (1915), một hầm bạc khác được phát hiện. Trong quá trình
đào đất sau cửa Tường Loan để sửa chữa ống nước trong khuôn viên Đại Nội,
toán thợ chạm phải hầm bạc, một số phái viên của Bộ Công đã trình lên trên.
Nhận được tin, Phủ Phụ chính cùng Khâm sứ đại thần Charles tới xem thấy dưới
hầm gạch có hòm gỗ hai đầu đều có đai sắt mục đứt lộ ra các thỏi bạc. Khi đào
lên kiểm biên có đến 60 hòm gỗ với 10.000 hốt bạc (thời giá lúc bấy giờ 1 hốt
bạc tương đương 15 đồng), 1 đồng kim tiền (tiền vàng) và 1 đồng tiền đồng đỏ
cùng khắc chữ Phú Thọ Đa Nam, 28 đồng tiền đồng và tấm bia đá khắc 16 chữ dịch
nghĩa "Giáp Ngọ ngày tốt, mười vạn bạc ròng, lưu làm quốc dụng, ai dám
riêng lòng".
Hầm bạc thứ 2 được tìm thấy vào tháng
7 thì cuối tháng 8 (29/8), cũng tại khu vực chỗ cửa Tường Loan, khi thi công
sửa chữa miệng ống nước, lúc đào gạch lát nền, những người thợ thi công đụng
phải phiến đá lớn, trên ấy có đồng tiền đồng hạng lớn đã nghĩ ngay đó là hầm
chôn bạc của vua tiền triều. Việc phát hiện được báo lên trên, lần này đích
thân Vua Duy Tân cùng Khâm sứ đại thần Charles tới xem việc "khai
quật". Quá trình đào tìm thấy 1 đồng tiền đồng đỏ, 28 tiền đồng, bia đá
khắc 16 chữ với nội dung "Minh Mạng Giáp Ngọ, cất bạc trăm ngàn, của nước
không thiếu, chất chứa muôn vàng" và 70 hòm gỗ, bên trong có 10.000 hốt
bạc thỏi...
Như vậy theo chính sử nhà Nguyễn, đã
có 3 lần tìm thấy hầm bạc thời Vua Minh Mạng (không phải được chôn vào thời
Thiệu Trị như lời kể của cụ M.) và cả 3 lần tìm kiếm "khai thác" kho
báu ấy đều có sự hiện diện, giám sát chặt của quan khâm sứ người Pháp. Những ghi
chép này càng thúc đẩy chúng tôi tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt với những
"kho báu" để đời này của "ông vua trăm con" vì điều khó
hiểu rằng Vua Minh Mạng là hoàng đế sở hữu cả giang sơn với vàng bạc châu báu
nhiều vô kể, cớ sao ông chôn của cải để làm gì?
Lại tiếp tục lần đọc các thư tịch cổ
thời Vua Minh Mạng, chúng tôi nhận thấy thời gian vị vua này trị vì đất nước ổn
định, thịnh vượng, chỉ có một biến cố duy nhất được Tổng tài Quốc sử quán Cao
Xuân Dục (1842-1923) ghi trong “Đại Nam Chính biên liệt truyện” về sự phản
nghịch của "Nghịch thần Lê Văn Khôi'. Theo đó Lê Văn Khôi nhờ lập được
nhiều chiến công nên được tả quân Lê Văn Duyệt (mộ phần tại quận Bình Thạnh, TP
HCM, được người dân quen gọi lăng Ông Bà Chiểu) xem là trảo sĩ (chân tay lông
cánh). Đầu năm Minh Mạng (1820), tả quân Lê Văn Duyệt được triều đình phong làm
Tổng trấn Gia Định đã đem Lê Văn Khôi đi cùng. Dựa vào thế lực của tổng trấn,
Lê Văn Khôi làm nhiều điều ngang ngược, bắt biền binh lên rừng đẵn gỗ rồi chẻ
ván bán cho người nước Thanh (Trung Quốc) và đóng làm thuyền riêng.
Sau khi Lê Văn Duyệt chết (1832),
triều đình sai bắt tội Khôi cùng Tổng trấn Lê Văn Duyệt (mộ bị xiềng xích).
"Điều này khiến Lê Văn Khôi đem lòng oán vọng, mưu việc bất pháp" và
gây biến mấy năm trời, triều đình nhiều lần sai quân vào Nam dẹp nhưng đều thất
bại. Tháng 12/1833 Lê Văn Khôi ốm chết ở thành Phiên An nhưng mãi đến tháng
4/1835 triều đình Minh Mạng mới triệt dẹp hoàn toàn phiến quân với vụ thảm sát
theo kiểu triệt diệt đến 1.278 người...
Quanh chuyện Lê Văn Khôi nổi loạn, có
nhiều dư luận khác nhau. Chính sử triều Nguyễn khép Khôi là loạn thần nhưng một
số tư liệu khác ghi sở dĩ Khôi làm phản vì không chấp nhận sự bất công của bạo
thần... Như đã nói trong nhiều bài viết trước về Huế, chúng tôi là hậu nhân,
hiểu biết có giới hạn nên không lạm bàn đúng sai, nên được, mà chỉ đi vào những
chuyện thâm cung bí sử ít được biết đến, ngõ hầu để hậu thế có nhiều cái nhìn
hơn về triều Nguyễn một thời.
Kể chuyện Lê Văn Khôi, chúng tôi muốn
truyền gửi thông điệp, tất nhiên chỉ là suy đoán rằng sở dĩ Vua Minh Mạng chôn
các hầm bạc bởi có thời điểm thế của Lê Văn Khôi mạnh, chiếm nhiều tỉnh thành,
triều đình phải run sợ. Có lẽ vì âu lo đến một ngày quân phiến loạn sẽ tấn công
kinh thành nên Vua Minh Mạng lo xa, cho chôn bạc để lo hậu sự? Nhưng may mắn
cho ông vua này, đang thế binh hùng tướng mạnh thì Lê Văn Khôi lâm trọng bệnh
mà chết!