-->
Đi Rồi Sẽ Đến Go will come

Translate

NẠP NĂNG LƯỢNG - BỨT PHÁ ĐƯỜNG ĐUA

Ẩm Thực Quảng Trị Bánh Ít Lá Gai

Ẩm thực Quảng Trị, món ăn Quảng Trị. Nét văn hóa ẩm thực Quảng Trị. các món ngon tại Quảng Trị, cách chế biến món ăn Quảng Trị. ẩm thực món ăn Quảng Trị
Tôi thường nghe bà nội mắng yêu những đứa cháu khi chúng tham ăn rằng “miếng ăn là miếng xấu”, lại có câu tục ngữ “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Cái ăn cái uống chỉ là nhu cầu thiết yếu để sống của con người, nhưng một khi đã đi vào ca dao tục ngữ thì nó trở thành lời dạy dỗ khuyên răn. Rộng hơn, đối với người đi xa thì nó thành ý niệm quê hương thổn thức trong từng nhịp thở.
Bánh ít lá gai

Người ta thương nhau trót lưỡi đầu môi, yêu nhau bằng lời nói chưa đủ mà phải nếm được bằng môi, được cắn vào nhau để tận hưởng. Trên chiếc môi xinh ấy từ những ngày rất nhỏ tôi đã được tẩm một thứ hương vị quà bánh quê mẹ, nên khi em cắn vào thì cũng như đã thấu được tấm lòng quê hương. Hôm nay tôi sẽ dẫn em về Quảng Trị, cùng nếm thứ bánh ít nhỏ nhoi. Nhỏ nhưng ngon lắm! Nhỏ nhưng trong đó đã gói trọn tất cả những ngọt-bùi-đắng-cay, cả tấm lòng quê hương em ạ!
1. Bóc vỏ chiếc bánh ca dao
Có một câu ca dao miền trung thế này:
“muốn ăn bánh ít lá gai
lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi.”
Câu ca dao này của Bình Định nhưng lại có rất nhiều dị bản, chỉ cần thay tên địa danh vào là có ngay câu của quê hương mình. Tất nhiên, tên thay vào đó phải có hai chữ và có thanh trắc ở chữ thứ hai để hợp với niêm luật lục bát. Cái tên Quảng Trị ai cũng bảo là nặng, nặng như giọng nói miền trung trọ trẹ, nhưng lại gặp may trong trường hợp này. Và tôi lại đọc ca dao quê mình
“muốn ăn bánh ít lá gai
lấy chồng Quảng Trị sợ dài đường đi.”
Tôi đồ rằng câu ca dao dị bản này còn hay hơn câu nguyên gốc, vì chữ “Trị” lại hợp vần với chữ “đi” ở cuối nên nó làm cho vĩ thanh của câu được ngân lâu hơn, cái sự xa xôi về đường đi vì thế mà cũng được kéo giãn ra thêm.
“Lấy chồng” và “làm dâu” cùng một trường nghĩa, nhưng nếu hoán vị một tí thì câu ca dao lại thành ra một lời keo son thắm thiết. Lấy chồng chỉ là một việc của người con gái đến tuổi cập kê, nhưng làm dâu lại là bổn phận lâu dài của người phụ nữ sau khi lấy chồng. Nên nếu đọc “muốn ăn bánh ít lá gai/ làm dâu Quảng Trị sợ dài đường đi” thì lời nói ấy càng trở nên ý nghĩa hơn nữa. Nhưng em đừng có sợ, một liều ba bảy cũng liều/ đã thương sao ngại đường nhiều bước đi. Có xa ngái mấy mà ăn một miếng bánh ít Quảng Trị cũng đáng lắm! Không thế mà ngày trước Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã đóng dinh ở Ái Tử – Quảng Trị, cho lập một chợ ở ngã ba sông Thạch Hãn – Vĩnh Định, sau này người dân đặt tên là chợ Sãi, và chợ Sãi cũng là nơi có nghề bánh ít ngon nức tiếng.
Tại sao câu ca dao nói là “lấy chồng/ làm dâu” mà không là “lấy vợ/ làm chồng”?
Thứ nhất, về mặt chắt thanh chiết tự ta có thể bác bỏ ngay cặp từ này. Nếu đặt “lấy vợ” vào thì chữ “vợ” là thanh trắc sẽ làm sai luật câu lục bát. Nhịp thơ lục bát này là nhịp chẵn đều 2/2 nên các chữ ở vị trí chẵn nhất thiết không được sai luật về thanh điệu. Ca dao không có phá cách/cách tân nên dù có muốn tạo dị bản cũng phải tuân thủ niêm luật. Đấy là chắt thanh.
Về chiết tự, nếu  đặt chữ “lấy vợ” vào thì câu này lại vụng về nghĩa. Chữ “đi” trong câu ca dao vừa có nghĩa “đi tới nhà người ta”, vừa có nghĩa “đi về thăm nhà mình”, tức ”đi” là “đi lại”. Trong truyền thống dân tộc ta “con gái xuất giá tòng phu”, lấy chồng phải về ở nhà chồng, có muốn ở riêng hai vợ chồng thì cũng phải sống chung trong gia đình một thời gian cho đến khi sinh con đầu lòng. Vậy nên đời sống vợ chồng son thường trải qua trong gian đoạn đang ở chung với bố mẹ chồng. Điều này giải thích tại sao khi đi lấy chồng các cô gái hay khóc, lấy chồng càng xa khóc càng nhiều: bởi sợ khó về được để thăm cha mẹ đẻ. Ngược lại, con trai đi ở rễ rất ít, thường chỉ đối với những ai làm rễ ở các nhà không có nam tử thôi. Mà có đi làm rễ thì đàn ông rắn rỏi khoẻ chân, muốn về nhà mình khi nào chả được. Thế nên nếu nói “làm chồng Quảng Trị đường dài khó đi” thì rất buồn cười!
Thứ hai, về mặt xét nghĩa toàn bộ cặp câu ca dao, đưa chiếc bánh ít vào thì mới thấy cái ẩn ý của tác giả dân gian xưa thật đáo để. Bánh ít lá gai là loại bánh ngọt. Có nhiều nơi làm bánh ít nhân thịt đậu đỗ hoặc nấm thì bánh đó không làm từ lá gai mà từ bột nếp. Nhân bánh ít lá gai thường là đậu xanh bóc vỏ, nhân được trộn với đường nên khi bánh chín thì mật đường đã ứa ra toàn lớp lá gai nhồi. Bánh ít lá gai ngọt là vì thế. Chỉ con gái đàn bà thì mới thích đồ ngọt, trừ những khi đang mang thai là “có chửa thèm chua” thôi! Đàn ông con trai vốn trời sinh tính khí mệnh hoả, thích rượu chè, mà người thích rượu lại rất kén các món ngọt. Chính vì thế mà câu ca dao này phải dành riêng cho phái nữ.
Cũng như chiếc bánh ít đó tôi sẽ dành riêng để mời em mà không mời bạn. Các o các chị của tôi cũng không thể mời được người họ thương về Quảng Trị đâu, em ạ!
2. Về Quảng Trị làm bánh ít đi em !
Tôi đã lần theo lối sỏi truyền thống dân tộc, đòi cho được câu ca dao để mời em về Quảng Trị. Bây giờ thì hãy ngồi xuống đây, cởi chiếc áo choàng cho mát vì xứ gió lào cát trắng này khô khốc lắm, rồi cùng bắt tay vào làm thử chiếc bánh quê hương.
Trước hết phải ra ngoài vườn hái lá gai. Nhà tôi có con mương chảy lau lách bao vây một phía nên ở dọc lối ấy cây lá gai mọc lên rất tốt. Cây mọc lên thành dãy như một hàng rào cố hữu che chắn khuôn viên. Mà có cái lạ, tuy đất quê mình khắc khổ vậy, mùa đông mưa dầm lũ ngập đồng, mùa hè nắng cháy thiêu trụi cây, nhưng riêng lá gai thì vẫn xanh vẫn tươi quanh năm. Vậy nên em có về quê tôi thì không phải lo chết thèm bánh ít lá gai một ngày nào cả.
Lá gai có màu xanh non, nhìn vào như thể nó sẽ không bao giờ già đi. Lá cũng như em vậy đó, ăn chiếc bánh này vào sẽ trẻ xinh mãi. Chiếc lá gai trông hệt như hình trái tim của đôi lứa yêu nhau, hay hệt như một ngọn trầu. Phải vì điều này mà bánh ít luôn có trong những dịp cưới hỏi(?). Tôi mời em câu ca dao có chiếc bánh ít cũng với ý niệm se duyên trái tim ấy.
Nhớ ngày trước tôi còn học ở Huế, mỗi lần về nhà là mạ lại làm bánh ít để tôi mang vào biếu chủ nhà trọ, bạn bè. Ông nội thì tập nói cho tôi, rằng phải thưa lời “đây là cây nhà lá vườn, ba mạ nhủ con mang vào biếu để hai bác thử cho vui!”. Ừ! Thì đúng là cây nhà lá vườn thật đấy, nhưng mà ăn bánh ít Quảng Trị không thể ăn cho vui được, ăn một miếng là thèm thuồng rồi nhớ suốt đời. Vậy nên tôi vào thưa với nhà chủ “đây là cây nhà lá vườn, ba mạ nhủ con mang vào biếu để hai bác ăn cho biết!”. Cái chữ “cho biết” này nó thâm thuý hơn, biết tức là sẽ nhớ, sẽ không bao giờ quên.
Mạ tôi còn gói riêng một đùm, bảo cái này dành cho người yêu. Mặc dù tôi đã là sinh viên, như ngày trước gọi là cậu tú rồi đấy, thế nhưng nghe mạ nói thì cũng phải cười trong sự ngượng ngùng. Nhưng khi đứng trước em với đùm bánh ít ấy thì lại rất mạnh dạn, hình như bánh ít đã giấu giúp tôi một cái ngượng biết yêu. Còn bạn bè khi ăn thử một chiếc bánh thì khen lấy khen để, cứ bảo “bánh ít Quảng Trị cũng ngon hệt….con trai xứ đó vậy!”. Sau đó lần nào trước khi ra nhà bạn bè cũng đều nhắc nhủ phải mang bằng được bánh ít vào làm quà. Chỉ thế thôi!
Lá gai hái từ ngoài vườn đem vào được rửa sạch bằng nước giếng vài lần, vớt ra cho lên một chiếc rổ thưa để ráo nước. Trong lúc đó đun một nồi nước sôi bằng chiếc soong to. Mạ tôi nói đun nước luộc lá gai thì phải đun bằng rơm rạ vì lửa rơm có mùi khói đồng, mùi khói ấy sẽ lèn vào lá làm cho chiếc bánh đậm hương vị quê nhà hơn. Tôi thích nhất được vào bếp ngồi đun rơm với mạ trong một ngày đông hơi lạnh bùi bùi, khói lên quyện lấy mái nhà tranh những ngày còn nghèo khiến tôi thương chi lạ. Nhìn ánh lửa cháy ngặt nghèo vì thứ rơm ỉu năm đói, cùng với khói lên cay cay cứ như muốn làm tôi trào nước mắt. Ngồi đun nước luộc lá gai tôi cảm nhận được sự đắng cay đã đi vào trong tiền thân chiếc bánh ít ấy.
Nước sôi, cho lá vào luộc qua (tiếng Quảng Trị gọi là trụng) sao cho lá đừng chín nát đen. Sau đó vớt ra để trên chiếc rổ thưa hong một lúc cho ráo nước rồi dùng tay vắt vắt những nắm lá và cho vào cối đá. Công việc tiếp theo là quết lá. Tay cầm chày giã cối cho đến bao giờ lá nhuyễn ra thành một thứ bột quết nước thì cho thêm bột nếp vào, cùng với một ít đường và tiếp tục nện chày, gọi là lèn bột. Giã một lúc thì phải dùng vá (môi) đảo đều khối quết trong cối để tất cả lá và bột đều nhau, không có chỗ này nhuyễn chỗ kia xơ.
Nhân bánh được làm từ đậu xanh bóc vỏ đem nấu cho chín nhừ ra. Để nguội, dùng đũa quấy cho đậu nát mịn rồi trộn đường vào cho ngọt và rắc dầu chuối vào cho thơm. Ngửi cái mùi đậu xanh được trộn dầu chuối là đã ứa nước miếng thèm ăn. Nhưng em chớ có vọc tay vào thử nhuỵ nghe chưa, vì mạ rất kỵ chuyện đó. Mạ nói con trai thử còn được, chứ con gái thử nhuỵ là bánh hỏng liền. Có lẽ đó chỉ là một quan niệm của dân gian ta ngụ ý con gái phải giữ ý giữ tứ, không ăn trước ngồi tót sỗ sàng mà thôi!
Bột bánh quết xong vắt ra từng mẩu nhỏ, nắn dẹt ra rồi dùng thìa cho nhân đậu xanh vào giữa, vo lại thành một khối tròn tròn bằng quả cau. Từ chiếc lá gai-hình trái tim, nắn ra thành chiếc bánh-quả cau đã là một câu chuyện tình mang đậm tính dân tộc. Những cái lăn tay xoa bánh sau khi vắt lại cũng điệu nghệ lắm! Tôi từng nhìn những bàn tay của các chị xoa bánh và nhận ra được nết dịu dàng mềm mại của người con gái thôn quê.
Bánh ít được gói bằng lá chuối, thứ lá thân thuộc rất đỗi quê nhà. Lá rọc ngoài nương vào được thấm khăn nước lau sạch, cắt thành từng miếng tròn cỡ như chiếc đĩa. Đặt mẩu bánh sau khi bọc nhân vào giữa miếng lá đó, cuộn lá theo chiều sao cho các sứa lá không bị gẫy để lá không rách. Bẻ quặt hai đầu xuống và gập lại, dùng một sợi dây chạc chuối buộc quanh để giữ nếp lá đã gói. Chiếc bánh lúc này ú lên thành một khối hình chóp tứ giác giống hình một nóc nhà bốn mái. Ngày trước ông bà ta làm nhà thường dựng nóc bốn mái vì với kiểu kiến trúc ấy thì có thể qua mùa mưa bão an lành. Cũng với kiểu hình bốn mái ấy thì chiếc bánh ít không bị dẹt hoặc méo mó đi khi hấp hơi.
Hấp bánh là kiểu chưng cách thuỷ. Ở nhà quê thường đặt ba cái chén vào đáy soong to, sau đó gác lên trên một chiếc nan liếp đan thưa rồi sắp bánh vào. Nước đổ vào chỉ vừa đủ lấy hơi xông, nhất thiết không được chạm tới đáy liếp. Đậy nắp nồi đun một hồi chờ bánh chín. Chiếc bánh khi chín lá vỏ màu có xanh thẫm. Khi đặt lên bàn thờ thì nhớ lột dây buộc đi. Sắp một dĩa bánh ít thì phải đủ và chỉ đúng sáu cái thôi.
* * *
Bánh ít dùng trước hết để thờ cúng tiên tổ trong những ngày lễ tết, huý kỵ. Rồi trong những việc hiếu hỷ: đám cưới mời cô bác một chiếc mừng duyên mới, ma chay ăn một miếng bánh ít phân ưu. Sau nữa bánh dùng làm quà cho người đi xa, mang theo như để thể hiện tấm lòng thơm thảo của người nhà quê…
Ăn một chiếc bánh ít răng có cảm giác dẻo dẻo; lưỡi có vị bùi của lá quết và vị ngọt của đường nhân; mũi ngửi được hương thơm của đậu đỗ xanh rắc dầu chuối; tai lắng nghe những tiếng nhai “chắp…chắp…” có vẻ khoái khẩu thèm thuồng; mắt nhìn chiếc bánh ít thì liên tưởng đến mái nhà, chợt nhớ tổ tiên qua câu gợi ca dao“ngó lên nuộc lạt mái nhà/ bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”.
Tôi sẽ không kể nữa đâu, còn những dư vị của bánh ít thì hãy để em thưởng thức rồi sẽ biết. Hương vị quê nhà cũng như những câu ca dao về quê hương, có hát mãi vẫn không sao hết được. Riêng có câu ca dao này tôi xin mạn phép đổi một tí để thủ thỉ cùng em, rằng:
“muốn ăn bánh ít lá gai
lấy chồng Quảng Trị đường dài…sá chi”
Tùy bút của Hoàng Công Danh

Thông Tin Du Lịch & Tài Liệu Tuyến Điểm

Thông Tin Du Lịch Miền Trung