- vùng đất “Địa linh,nhân kiệt”, “lò đúc hiền tài,nôi sinh sĩ tử”!
- quê hương Tổng bí thư Lê Duẫn và nhiều nhân tài khác của đất nước.
Trong khu miếu thờ cổ kính tại làng Bích La đông (xã Triệu Đông tỉnh Quảng Trị) có một số bản Thần phả, Sắc phong từ đầu triều Nguyễn được dân làng lưu giữ cẩn thận. Tuy nhiên đây là những cổ vật bằng chữ Hán nên cũng ít người biết tường tận. Năm 2005, ông Lê Nguyễn Lưu, nhà nghiên cứu Hán nôm ở Huế đã đọc và dịch bản Thần phả : ”Quảng Trị tỉnh, Triệu phong phủ, Bích La xã, khai khẩn tôn thần sự trạng”, đây là cứ liệu lịch sử quý hiếmgiúp cho hậu thế biết thêm về nguồn gốc hình thành ngôi làng cổ kính nổi tiếng này.
Phiên âm: Hoan châu Hoa Duệ nhân, cẩn thực trung hậu, tinh thông binh pháp. Lê triều Thống Nguyên niên gian, hoạn cư Chánh Chưởng Trung Tể. Thì nhân Mạc Đăng Dung tiếm quyền, cô tiên lĩnh mệnh Lê triều cai trị Tân Bình Thuận hóa đẳng xứ, hãn ngự Chiêm Thành. Chiêu mộ dân khẩn hoang điền, lập tổng xã, định thổ tù. Duy thời tùy tòng thập tứ hộ: Cai tổng bá Lê Cảnh Sắc, Lê Văn Tài, Lê Bá Hỉ, Lê Phúc Thiện, Lê Đức Dũng, Dương Đình Cống, Nguyễn Thọ Bình, Lê Thế Toản, Lê Trọng Mưu, Trần Hửu Dực, Phan Định, Phạm Xuân Dương, Hồ Tất, Đặng Xương. Cử Thuận Hóa y xứ kiến lập xã hiệu, danh viết Hoa An xã (ngụy Huệ cải Hoa La, kim triều cải Bích La, phân vi tứ giáp: Đông, Trung, Nam, Hậu) Cập kỳ thu phục cố cương, ứng nghĩa luận công, ích kỳ tri lược, tầm phụng tứ Ích Trí đại tự, phong Doãn Lộc hầu. Cáo lão quy nông, gia tặng viết Chí Đức Đại thần.
Kị: Chính nguyệt sơ tứ nhật. Bản xã tộc hội trí Hà Dương Hoa châu thổ nhất khoảnh tục xích nhất mẫu dĩ cung kị lạp hương hỏa chi nhu.
Mộ táng tại bản xã Hà Dương xứ Cồn Đua chi địa, tọa Giáp sơn Canh hướng. Thiên sơn hoàn củng, thủy thủy lai triều. Vạn đại anh hùng, tử tử tôn tôn kế kế thừa thừa vinh hoa phú quý.
Dịch nghĩa: Ngài người xã Hoa Duệ, xứ Hoan Châu, tính cẩn thận, thành thật và trung hậu, thông thạo phép dùng binh. Khoản niên hiệu Thống Nguyên nhà Lê, ngài làm Chánh Chưởng Trung Tể. Bấy giờ, Mạc Đăng Dung lộng quyền, cho nên ngài vâng mệnh triều Lê vào cai quản xứ Tân Bình- Thuận Hóa để phòng chống Chiêm Thành. Ngài chiêu mộ dân lưu tán, khai khẩn ruộng hoang, lập thành tổng xã, dẹp yên địa phương. Đi theo Ngài có 14 hộ: Cai tổng bá Lê Cảnh Sắc, Lê Văn Tài, Lê Bá Hỉ, Lê Phúc Thiện, Lê Đức Dũng, Dương Đình Cống, Nguyễn Thọ Bình, Lê Thế Toản, Lê Trọng Mưu, Trần Hửu Dực, Phan Định, Phạm Xuân Dương, Hồ Tất, Đặng Xương.
Tại nơi đây của xứ Thuận Hóa, ngài lập xã hiệu, đặt tên là xã Hoa An (thời Ngụy Huệ đổi gọi là Hoa La, đến triều hiện nay đổi là Bích La, chia làm bốn giáp: Đông, Tây, Nam, Hậu) Kịp đến khi thu lại đất cũ, xét công lao ứng nghĩa, khôn ngoan mưu lược, Ngài được ban tặng hai chữ lớn “Ích Tri”, phong tước Doãn Lộc hầu, vì cớ già cả xin về làm ruộng được gia tặng “Chí đức đại thần”.
Giỗ ngày mồng 4 tháng Giêng. Các họ trong xã nhóm họp, lấy một mẫu đất bồi xứ Hà Dương sung làm nhu phí giỗ chạp.
Mộ chôn tại đất Cồn Đua xứ Hà Dương trong xã, tọa Giáp, hướng Canh, núi non quanh quất, sông nước chầu về, anh hùng muôn thuở, con con cháu cháu giàu sang nối truyền không dứt. (Lê Nguyễn Lưu đọc và dịch).
Thần phả không ghi niên đại nhưng có thể xác định di bản này được lập đầu triều nhà Nguyễn nhiều khả năng là dưới triều vua Thiệu Trị. Căn cứ vào Thần phả thì quan Chánh Chưởng Trung Tể dưới triều vua Lê Chiêu Tôn niên hiệu Thống Nguyên (1522- 1527) là hậu duệ dòng học Lê Mậu phát sinh từ đầu đời nhà Lê (Hậu Lê) ở xã Hoa Duệ, tổng Mỹ Duệ, huyện Hoa Xuyên tỉnh Nghệ An (Nay là xã Cẩm Duệ thuộc huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh). Hiện ở xã Cẩm Duệ còn di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh là Tháp Cẩm Duệ, một công trình kiến trúc bằng đá có quy mô lớn được xây dựng từ thời vua Lê Lợi là nơi nhà vua cấp đất để xây mộ phần cho quan thái giám Lê Am (Lê Mậu Am) quê Cẩm Duệ được phong tặng “Thần tổ Tiền đô Thái giám Huyền quan, Bản hửu Lê tướng công Triệu cơ Thận đức Anh tranh Hiển Ứng Đại vương, tước Gia tăng Đoan tức Trung Đẳng Thần”. Vì vậy Tháp Cẩm Duệ còn được gọi là “Am Tháp”.
Trong khuôn viên Am Tháp còn có mộ phần 2 người em ruột của Lê Am cũng là những vỏ quan có công lớn dưới triều Lê Lợi. Lê Am còn được phong là Phúc thần đương cảnh Thành hoàng làng Phương Cai (Mỹ Duệ). Hàng năm đến ngày 26 tháng 6 âm lịch dân Mỹ Duệ vẫn đến Am Tháp cúng tế Lê Am. Cẩm Duệ chính là nơi nguồn gốc phát sinh dòng họ Lê Mậu[Theo tài liệu của Sở Văn hóa- Thông tin- Bảo tàng Hà Tỉnh thì đã từng có 3 danh nhân họ Lê ở Bích La- Quảng Trị về thăm Cẩm Duệ, dâng hương tại Am Tháp. Đó là:
1- Tham tri bộ Lễ Tiến sĩ Lê Bá Thoại (ngày17/3/1901- năm Thành Thái thứ 13)
2- Thượng thư bộ Lễ, Phó bảng Lê Trinh ( 9/7/1905- Thành Thái năm thứ 17).
3- Tổng Bí thư Lê Duẫn ( ngày 4/4/1979).
Năm Lê Chiêu Tôn lên ngôi (1522) cũng là năm Mạc Đăng Dung đã thâu tóm quyền lực, vua Lê chỉ là bù nhìn. Quan Chánh Chưởng Trung Tể “họ Lê (Thần phả không nói rõ tên húy, hiện Ngài được biết dưới 2 tên: theo sách khảo cứu Tháp Cẩm Duệ do Sở Văn hóa Thông tin Bảo tàng Hà Tỉnh biên soạn năm 2003 thì quan Chánh Chưởng Trung Tể có tên họ đầy đủ là “Lê Mậu Tài”, song ở Bích La thường gọi tên Ngài là“Lê Mậu Doãn”do tuớc của Ngài là “Doãn Lộc hầu”) cũng vì không muốn cộng tác với Mạc Đăng Dung, Ngài đã lĩnh mệnh vua vào cai quản xử Tân Bình –Thuận Hóa vùng đất biên cương phía Nam giáp giới Chiêm Thành lúc này còn là vùng đất bất an chưa được khai phá. Ngài cùng 14 hộ bộ tướng cùng bầu đoàn thê tử nam tiến, dọc đừong Ngài chiêu tập thêm lưu dân vào nam lập nghiệp.
Đến năm 1527 Ngài chọn vùng đất xứ Hà Dương phía nam sông Thạch Hãn làm nơi định cư khai khẩn đất hoang lập nên ngôi làng đặt tên là xã Hoa An, thời Tây Sơn đổi tên Hoa La, đến đời vua Thiệu Trị đổi tên là Bích La có 4 giáp: Đông, Tây, Nam, Hậu. (nay thuộc xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị gồm các thôn Bích La Đông, Bích La Trung, Bích La Nam và thôn Nại Cửu). Như vậy làng Bích La hình thành từ năm 1527, ba thập kỷ trước năm Nguyễn Hoàng- Chúa Tiênvào nam, đóng dinh ở Ái Tử- huyện Triệu Phong- Quảng Trị (1558). Từ ngày chúa Nguyễn mở mang vùng đất phía nam Ngài cùng các bộ tướng đã thần phục nhà Nguyễn. Ngài được xét công trạng phong tước Doãn Lộc hầu, “Chí đức đại thần”. Ngài qua đời ngay 4 tháng Giêng (không rõ năm) an táng xây lăng tại Cồn Đua (Cồn Đu) thuộc Bích La.
Để tôn vinh Ngài Khai khẩn tôn thần và ghi dấu hình thành làng cổ Bích La, dân làng đã xây dựng khu miếu linh thiêng có tường thành bao bọc. Cổng vào khu miếu phía trên có dòng chữ “Sơn thủy Bích La tân”, hai bên có hai câu đối: Địa chung linh khí truyền thiên cổ- Thế xuất anh tài diễn ức niên. Tạm dịch: Non nước Bích La- Đất anh linh có từ ngàn xưa- Đời sinh hào kiệt thời nào cũng có. Bên trong có 11 ngôi miếu: thờ các vị Thần sông, núi, Thần Hoàng, Thần sấm sét, Thần Nông, Thần Dân an, Vật Lợi…Đặc biệt có ngôi miếu thờ Ngài Khai khẩn tôn thần. Bài vị Ngài ghi dòng chữ: Bổn thổ khai khẩn cai tri Phó tướng Doãn Lộc hầu linh tế Dục Bảo Trung Hưng Linh Phò tôn thần. Bên cạnh có miếu thờ 2 vị tiến sĩ đầu tiên của làng là Tiến sĩ Lê Cảnh Diệu và Tiến sĩ Lê Cảnh Phiên. Sách Ô châu cận lục từng ca ngợi: Hoa La là đất văn Nho.
Qua ngót 500 năm tồn tại, Bích La nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, ”lò đúc hiền tài- nôi sinh sĩ tử”. Dòng họ Lê ở Bích La gồm 4 nhánh: Lê Mậu, Lê Cảnh (Lê Công) Lê Văn (Lê Hửu) Lê Bá hiện có 4 nhà thờ họ riêng biệt. Mỗi nhánh họ Lê đều tự hào với những danh nhân nổi tiếng của dòng họ mình:
Lê Mậu có ông Lê Mậu Hiến đứng đầu phong trào đòi dân sinh dân chủ, giảm sưu thuế cho dân thời chống Pháp, tiến sĩ sử học Lê Mậu Hãn được phong danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”;
Lê Văn có cụ Chánh vệ úy Lê Văn Thống (ông nội TBT Lê Duẩn), Đề đốc Lê Văn Tặng (bác ruột TBT Lê Duẫn) có 6 vị đổ học vị Tiến sĩ, rồi đến cậu học trò Lê Văn Nhuận sau này là Tổng bí thư Lê Duẫn…;
Lê Cảnh có 2 vị đổ tiến sĩ đầu tiên được làng lập miếu thờ: Lê Cảnh Diệu, Lê Cảnh Phiên, đời Tự Đức có Phó bảng Lê Trinh (nhà thơ Bích Phong- con trai trưởng ông Lê Cảnh Chính, một đại quan triều Minh Mạng) đi sứ Trung Quốc được vua nhà Thanh ban áo mũ Tiến sĩ và danh hiệu Lưỡng quốc Tham mưu, dưới triều Thành Thái- Duy Tận ông sung chức Phụ chính đại thần, Thượng thư bộ Lễ hàm Vinh lộc đại phu, Hiệp biện đại học sĩ, từng được vua Duy Tân ca ngợi: Ngủ triều danh túc, nhất đại biểu nghi (năm triều nức tiếng, một tấm gương sáng cho đời) sau khi qua đời (1909) được truy phong Vệ Nghĩa Tử;
Lê Bá có tiến sĩ Lê Bá Thoại dưới triều Tự Đức giữ chức tham tri Bộ Lại nổi tiếng là người ngay thẳng dám vạch tội gian thần, danh nhân văn hóa Lê Bá Đảng…Các hậu duệ Lê tộc ở Bích La ngày nay đang viết tiếp truyền thống hiếu học yêu nước của ông cha: Tiến sĩ Sinh học Lê Thị Diệu Muội (con gái TBT Lê Duẫn), tiến sĩ Kinh tế Lê Hồng Tâm (cháu nội đời thứ tư của Phó bảng Thượng thư Lê Trinh), PGS- Tiến Sĩ Khoa học Xã hội và Nhân văn Lê Thanh Bình (Lê Cảnh), Tiến sĩ Toán học Lê Bá Long …
Một nét đẹp truyền thống còn lưu giữ ở Bích La là phiên Chợ Đình Bích La họp hàng năm vào nữa đêm rạng sáng ngày mồng 3 Tết Nguyên đán hàng năm thu hút đông đảo dân làng và du khách về dự lễ hội. Lễ hội chợ Đình Bích La là dịp để dân làng tưởng nhớ công lao Khai khẩn tôn thần Doãn Lộc hầu (kỵ ngày 4 tháng Giêng) và 14 bộ tướng đi đầu mở mang cơ nghiệp làng Bích La thịnh vượng ngày nay.