-->
Đi Rồi Sẽ Đến Go will come

Translate

NẠP NĂNG LƯỢNG - BỨT PHÁ ĐƯỜNG ĐUA

Quảng Trị - Làng Mai Xá

Làng Mai Xá (xã Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị) là một trong những ngôi làng cổ ở Việt Nam. Không chỉ đi vào lịch sử với những huyền thoại “Bà mẹ Gio Linh" nuôi con đánh giặc... mà còn nổi tiếng với những cảnh đẹp của một làng quê Việt Nam. Cho đến nay, Mai Xá vẫn còn hội tụ đầy đủ những yếu tố đặc trưng của một làng quê Việt Nam như: cây đa, bến nước, sân đình.
Làng Mai Xá
Làng Mai Xá hiện có 3 di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận, đó là Di tích Rú Lòi – Bàu Đông, Bến đò Mai Xá và Đình làng Mai Xá Chánh. Một trong những phong cảnh đẹp nhất của làng Mai Xá có thể kể đến đầm Hà Côộc – nơi được cho là “đất lành chim đậu”. Đây chính là khu rừng nguyên sinh còn sót lại của làng, quy tụ nhiều loài chim sinh sống mà trong đó nhiều nhất là cò.
Nhờ có phong cảnh đẹp lại nằm trên trục đường xuyên Á dẫn xuống biển Cửa Việt, đầm Hà Côộc luôn thu hút nhiều du khách đi qua con đường này dừng lại chụp hình để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của một làng quê khi hoàng hôn buông xuống. 


Đình làng Mai Xá Chánh
Đình làng Mai Xá Chánh nằm trong tổng thể các di tích lịch sử - văn hóa của làng Mai Xá gồm đình làng, chợ, bến đò, khe lạch và rừng cây nguyên sinh, tạo nên một bức tranh phong cảnh hữu tình làm say đắm lòng người du khách thưởng ngoạn.
Ngôi đình này lần đầu tiên được xây dựng cách nay gần 5 thế kỉ trên một gò đất cao, nơi có dòng sông Hiếu chảy qua phía trước ngôi đình. Trải qua thời gian và điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng đất gió Lào cát bỏng, đình làng đã xuống cấp đáng kể. Nhân dân làng Mai Xá tự nguyện đóng góp 3 tỷ đồng để xây dựng lại ngôi đình. Đình làng Mai Xá Chánh là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, và là nơi tiến hành các kì lễ tế hàng năm của người dân làng.
Tương truyền rằng, người khai canh ra làng Mai Xá Chánh là Năm Trương và ngôi đình làng cũng được xây dựng cùng với quá trình phát triển của làng. Sân đình làng Mai Xá Chánh đã là chứng nhân thầm lặng của biết bao thăng trầm lịch sử. Tại sân đình này, người dân làng Mai Xá Chánh đã hưởng ứng lễ truy điệu nhà cách mạng Phan Chu Trinh, cũng như phong trào đòi ân xá cho nhà cách mạng Phan Bội Châu. Đình làng cũng đã từng là trụ sở bí mật của tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Chi bộ Đảng đầu tiên của làng Mai Xá Chánh cũng được thành lập tại đây và tổ chức phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám. Trong chiến tranh, sân đình làng Mai Xá Chánh trở thành căn cứ trong lòng địch, là "tổng kho" của cả mặt trận Quảng Trị... Trong mọi hoàn cảnh, người dân làng Mai Xá Chánh luôn anh hùng bất khuất. Lịch sử Đảng bộ xã Gio Mai còn ghi lại biết bao những tấm gương trung liệt. Đó là mẹ Lê Thị Cháu, người đã nén đau thương, mang rổ lên đình làng lấy đầu con trai là xã đội trưởng Nguyễn Đức Kỳ bị giặc bắt, tra tấn dã man rồi chặt đầu cắm cọc bêu trước đình làng... Từ câu chuyện có thật này, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác ca khúc cách mạng Bà mẹ Gio Linh.
Với những giá trị lịch sử, văn hoá lâu đời vốn có, ngôi đình làng Mai Xá Chánh đã được xếp hạng "Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia". Đình làng Mai Xá Chánh có tên trong danh sách các di tích kiến trúc nghệ thuật của tỉnh Quảng Trị được Hội Di sản Văn hóa Quảng Trị chọn để bảo tồn, tôn tạo.
Ngôi đình được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, kiểu nhà rường Trung Bộ, các cấu kiện cột kèo, xuyên, trếng, đòn tay đều được làm bằng gỗ mít có chạm trổ hoa văn, hình lưỡng long chầu nguyệt, chim phượng… được trang trí bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ tinh xảo với tổng kinh phí xây dựng lên tới 3 tỷ đồng do chính con em của làng tự nguyện đóng góp.


Nét văn hóa ở làng Mai Xá

Làng Mai Xá nổi tiếng là vùng “đất học” của tỉnh Quảng Trị:
Học sinh làng Mai Xá Chánh học giỏi, thi đỗ đạt cao là nhờ hương đất của làng. Địa hình của làng có hình dáng như ngòi bút cắm vào nghiên mực – biểu tượng cho đất học. Dù ở trong hoàn cảnh nào, học sinh làng Mai Xá cũng biết vươn lên trong học tập nhằm gìn giữ truyền thống hiếu học của làng. Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng, người Mai Xá Chánh luôn hướng ngoại để mở mang kiến thức, đem về cho mình những giá trị văn hoá, tinh thần cao quý nhất.
Ở làng này người ta chẳng kính phục nhau chuyện giàu có, chức quyền, mà chỉ “đọ” nhau về những tấm bằng đại học giữa các gia đình, dòng họ. Chuyện học hành, thi cử trở thành “miếng giữa làng” tại vùng quê nghèo này. Tất cả các dòng tộc của làng Mai Xá đều thành lập ban khuyến học và hàng năm họ tổ chức lễ phát thưởng cho những con em học giỏi của của dòng họ mình.
Nghề truyền thống:
Mai Xá là một làng quê nằm ven con sông Hiếu. Cuộc sống của người dân nơi đây đã gắn bó với nghề cào chắt chắt từ bao đời nay nên được gọi là nghề truyền thống của làng. Để tỏ lòng biết ơn người đã cho họ một nghề làm ăn, một sức khỏe tốt và cả những điều may mắn trên sông. Vì làm nghề chắt chắt nên những món ăn đặc nổi tiếng ở đây đều có chắt chắt : Bún Hến Mai Xá (bún chắt chắt), chắt chát xào xúc bánh tráng , canh chắt chắt rau muống ...


Lễ hội truyền thống:

Lễ hội rước hến làng Mai Xá là nét đẹp văn hóa dân gian ở làng quê vùng sông nước Quảng Trị, thể hiện tín ngưỡng và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của cư dân làm nghề sông nước đối với tổ nghề và tiền nhân. Lễ hội này được tổ chức định kỳ 3 năm một lần tại bến đò lịch sử thôn Mai Xá (chỗ sông Thạch Hãn và sông Hiếu gặp nhau), nơi con hến sinh sôi nảy nở. Người thợ cào chắt chắt làng Mai Xá luôn nhớ nằm lòng câu: “Rằm tháng hai cầu rạy, rằm tháng bảy cầu an”.
Người Mai Xá rất giỏi khai thác con chắt chắt. Để tỏ lòng biết ơn người đã cho họ một nghề làm ăn, một sức khỏe tốt và cả những điều may mắn trên sông nước, những hộ làm nghề cào thường tổ chức lễ cúng tổ nghề linh đình. Cào chắt chắt là "nghề sông nước", nên họ cũng cúng “cầu an” để mong muốn mọi việc được “thuận buồm xuôi gió” và mưa thuận gió hòa, sông nước yên bình trong suốt quá trình hành nghề.
Làng Mai Xá được xem là “cái nôi” đua thuyền ở tỉnh Quảng Trị do cuộc sống lao động của một bộ phận dân làng quanh năm gắn liền với nghề sông nước - một hoạt động mang nhiều yếu tố tâm linh. Lễ hội đua thuyền là dịp để dân làng cầu năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, vụ mùa bội thu.


Làng quê Mai Xá sẽ mãi mãi ăn sâu vào ký ức của người Mai Xá, nhất là những người con đang sống xa quê hương. Làng Mai Xá là nơi lý tưởng để phát triển du lịch cộng đồng – một loại hình du lịch mới mẻ đang “hút” khách, nhưng đáng tiếc, tiềm năng hiếm có này vẫn đang còn bị bỏ ngõ!.

Thông Tin Du Lịch & Tài Liệu Tuyến Điểm

Thông Tin Du Lịch Miền Trung