-->
Đi Rồi Sẽ Đến Go will come

Translate

NẠP NĂNG LƯỢNG - BỨT PHÁ ĐƯỜNG ĐUA

Ðảo Cồn Cỏ

Ðảo Cồn Cỏ có diện tích tự nhiên khoảng 4km2. Toàn bộ đảo có độ cao trung bình từ 7 - 10m so với mực nước biển. Ðiểm có độ cao lớn nhất là 63m. Ðảo có ngư trường rộng lớn khoảng 9.000 km2 với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế. Ðảo Cồn Cỏ còn có tên khác là Hòn Cỏ, Thảo Phù, đảo Con Hổ hay Hòn Mệ. Mặc dù với diện tích không lớn nhưng lại có vị trí chiến lược án ngữ toàn bộ phần bờ biển Trung Trung bộ, gần với nhiều tuyến đường hàng hải trong nước và quốc tế, do đó nó có vai trò rất lớn trong công tác phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc phòng vùng lãnh thổ, lãnh hải và là một địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của hệ thống đảo, hải đảo và vùng biển Việt Nam.
Từ truyền thuyết mang tính huyền thoại…
Đảo Cồn Cỏ vốn đã được hình thành trong quá trình kiến tạo trái đất từ thời xa xưa trong lịch sử. Tuy nhiên, trong quá trình khai phá vùng đất mới để xây dựng quê hương với bao khó khăn thử thách thì những thế hệ người Việt đã xây dựng nên truyền thuyết về động Lòi Reng và đảo Cồn Cỏ nhằm giải thích cho sự ra đời của hòn đảo này.
Chuyện kể rằng: Ngày xưa có một người rất khỏe tên là Thồ Lồ. Ông này có nhiệm vụ đào đất, đắp núi. Có một lần ông gánh một gánh đất quá nặng, đòn gánh bị gãy. Hai sọt đất văng ra hai phía. Sọt văng về phía núi thành ra động Lòi Reng (một hòn núi lớn thuộc địa phận xã Vĩnh Thủy, trong bản đồ quân sự ghi là cao điểm 74). Sọt văng về phía biển thành đảo Cồn Cỏ….
Sở dĩ người ta xây dựng nên truyền thuyết đó bởi vì: Đến sinh cơ lập nghiệp trên một vùng đất cằn cỗi, ở vào vị trí chính giữa khúc ruột miền Trung với gió Lào cát trắng vốn là địa bàn cư trú lâu đời của người Chăm, những người Việt đầu tiên của đất Bắc vào hẳn phải thừa khôn ngoan và khả năng, thừa đức tính nhẫn nại, xông xáo, dũng cảm cùng với một nghị lực phi thường mới có thể đứng vững để xây dựng cuộc sống mới. Sống giữa thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên trong buổi đầu mới đến con người ta phải đối mặt với bao thử thách, hiểm nguy vì thế để tồn tại thì cần thiết phải có sự tập hợp sức mạnh của cả tập thể, cộng đồng, khát vọng chinh phục tự nhiên là khát vọng ngàn đời của họ tuy nhiên trong điều kiện sống còn lạc hậu, trình độ tư duy của người dân còn nhiều hạn chế, sự hiểu biết về tự nhiên chưa nhiều thì người ta tin vào một sức mạnh siêu nhiên thần bí nào đó có khả năng đào đất, đắp núi, tọa nên hình thế của quê hương mình. Trong điều kiện và hoàn cảnh như thế thì ông Thồ Lồ (Khổng Lồ) đã ra đời.
Thực chất, địa hình Quảng Trị được hình thành do kết quả tác động tổng hợp của các nhân tố bên trong và bên ngoài vỏ trái đất. Cấu trúc địa chất phức tạp với tính đa dạng của điều kiện tự nhiên đã hình thành nên địa hình khá phức tạp trên lãnh thổ Quảng Trị. Tuy nhiên do ảnh hưởng của các nhân tố khách quan (trình độ nhận thức tư duy của người đương thời) mà họ đã xây dựng nên truyền thuyết về đảo Cồn Cỏ và động Lòi Reng để giải thích cho địa hình của vùng đất Vĩnh Linh - Quảng Trị.
Đến những kỳ tích hào hùng trong lịch sử
Mặc dù đã có một lịch sử hình thành lâu đời nhưng cho đến sau Hiệp định Genève đảo Cồn Cỏ vẫn chưa có người ở. Mùa thu năm 1959 biết Mỹ - ngụy có ý định chiếm đảo, Bộ chỉ huy quân sự đặc khu Vĩnh Linh đã cho một đơn vị bộ đội đỗ bộ lên đảo vào ngày 8/8/1959. Ngày 10/8/1959, chính quyền Ngô Ðình Diệm đưa tàu chiến đến vây đảo nhưng quân ta đã nổ súng cảnh cáo buộc chúng phải rút lui.
Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành đánh phá miền Bắc, cùng với Vĩnh Linh, đảo Cồn Cỏ đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sở dĩ Cồn Cỏ đã trở thành vị trí tiền tiêu cho cả miền Bắc trong kháng chiến bởi vì khi vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền đất nước thì vị trí của đảo Cồn Cỏ nằm vào 170 08’15’’ tới 17010’05’’ vĩ độ Bắc, gần như liền kề với đường giới tuyến kéo dài từ cửa Tùng ra thêm 15 hải lý về phía biển Đông. Chiếm được hòn đảo án ngữ phía nam vịnh Bắc bộ này sẽ có được cái bàn đạp để “cai quản” một vùng biển rộng lớn, thâm nhập vào hậu phương miền Bắc; chưa kể đường bay của những chiếc máy bay ném bom ra phía Bắc đều bay ngang qua bầu trời trên đảo, tất cả những điều đó khiến Cồn Cỏ trở thành mục tiêu để hủy diệt, nhưng thật lạ kỳ, trơ vơ giữa trùng dương, đạn bom thiêu sạch cây cỏ, đảo trần thân trơ trụi ra giữa nắng giữa gió nhưng những con người trên đảo vẫn kiên gan bám trụ, và những nhà văn đã gọi Cồn Cỏ ngày ấy là “Chiến hạm không bao giờ chìm”. Ít ai biết, để cho “chiến hạm Cồn Cỏ” vững vàng trước đạn bom như thế lại nhờ vào những đoàn thuyền nan tiếp tế lương thực, nước ngọt, đạn dược vũ khí từ đất liền ra. Một điều thú vị là thời chiến tranh, các trận địa trên đảo lại mang tên các địa danh của cả nước như đồi Hải Phòng, khu Hà Nội (liên quan tới quê của lính đóng tại vị trí đó) nay vẫn giữ nguyên tên gọi.
Trong thời gian từ 1965 - 1968, các đơn vị bộ đội đóng trên đảo đã bắn hạ được 48 máy báy (trong đó 29 chiếc rơi tại chỗ), bắn cháy 17 tàu chiến và 2 thuyền của địch. Dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, những chiến sĩ Cồn Cỏ càng chiến đấu càng trưởng thành về mọi mặt, trở thành một đơn vị toàn năng, sử dụng giỏi nhiều loại vũ khí.
Ngay trong bom đạn ác liệt, các chiến sĩ vẫn tranh thủ tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Với thành tích đánh Mỹ giỏi, giữ đảo kiên cường, Cồn Cỏ đã vinh dự được Quốc hội, Chính phủ và Hồ Chủ tịch hai lần tuyên dương là đơn vị anh hùng; được tặng thưởng 2 huân chương Ðộc lập, 2 huân chương Quân công, 4 huân chương Chiến công. Nhiều cán bộ chiến sĩ của đảo được tặng danh hiệu anh hùng như Thái Văn A, Nguyễn Tăng Mật.... Toàn đảo được Bác Hồ tặng hai câu thơ:
Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận
Ðánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”.
Hoà bình lập lại, nhờ bàn tay của con người mà đặc biệt là các chiến sĩ trên đảo đã làm cho Cồn Cỏ ngày một đổi thay với những dãy nhà khang trang, sân bóng, vườn rau... Cồn Cỏ ngày càng thêm sức sống mới.
Năm 1992, sau chuyến điền dã của giáo sư Trần Quốc Vượng và các cộng sự ra Cồn Cỏ đã mang về những thông tin quý giá: Cồn Cỏ đã có những dấu vết của thời đại đá cũ. Cồn Cỏ cũng là nơi những đoàn thuyền Đại Việt từng ghé đến để nghỉ ngơi trên những hành trình vượt biển…Với một trầm tích văn hóa như thế, cộng với quá khứ hào hùng của những tháng năm làm “hòn đảo chiến trận”, hôm nay Cồn Cỏ đang giữ một vị trí trọng yếu trong việc phân định chủ quyền lãnh hải của đất nước.
Từ năm 2002, thực hiện chủ trương chiến lược phát triển Cồn Cỏ thành một đơn vị hành chính dân sinh và quốc phòng, UBND tỉnh ra quyết định thành lập tổng đội thanh niên xung phong xây dựng Ðảo Thanh niên Cồn Cỏ. Ngày 9/3/2002, tổng đội đã chính thức đi vào hoạt động và đã đưa một lực lượng thanh niên tình nguyện ra đảo để xây dựng kinh tế. Mặt khác, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng cảng cá ở đảo nhằm khai thác tiềm năng, kinh tế biển và tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng vùng đất, vùng trời, vùng biển của tổ quốc.
Tháng 10 năm 2004 , Cồn Cỏ được chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp huyện theo nghị định số 174/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Trút chiếc áo chiến trận, hòn đảo quân sự nay đã mang một vị thế khác, chủ trương phát triển kinh tế theo cơ cấu: Du lịch - dịch vụ - thủy sản - lâm, nông nghiệp. Những cư dân từ đất liền đã ra đảo sinh sống làm ăn, những ngôi nhà ấm tiếng trẻ bi bô mọc lên, lớp mẫu giáo trên đảo được xây dựng mang cái tên rất biển đảo “Trường mầm non Hoa Phong Ba”, cảng cá và dịch vụ hậu cần ra đời, những con thuyền của ngư dân từ nhiều miền đất nước ghé lại đảo để tiếp dầu, tiếp nước cho những chuyến đánh bắt dài ngày.
Từ truyền thuyết mang tính huyền thoại đến một thời kỳ kịch sử hào hùng trong những năm chống Mỹ và hiện nay trong thời kỳ đổi mới với những thành quả đã đạt được, hy vọng Cồn Cỏ sẽ là điểm đến trong hành trình du lịch của du khách gần xa khi đến với Quảng Trị.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Nương

Thông Tin Du Lịch & Tài Liệu Tuyến Điểm

Thông Tin Du Lịch Miền Trung