-->
Đi Rồi Sẽ Đến Go will come

Translate

NẠP NĂNG LƯỢNG - BỨT PHÁ ĐƯỜNG ĐUA

DANH THẮNG DAKRONG

Khu danh thắng Đakrông nằm 2 bên đường Quốc Lộ 9, tại vị trí km47, cách thị xã Đông Hà tỉnh lỵ 47km về phía tây, thuộc địa bàn xã Đakrông huyện Hướng Hóa.
Khu danh thắng Đakrông là tên gọi chung cho một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, trữ tình của một vùng nun miền tây Quảng Trị. Ở đó có sông Đakrông xinh đẹp ôm ấp trong mình những huyền thoại đượm đầy chất sử thi và nhân văn; có cầu treo Đakrông duyên dáng vững chải giữa ngút ngàn màu xanh của mây trời, rừng nun; có mỏ nước khoáng tự nhiên phong phú đang bắt đầu vận hành khai thác, phục vụ đời sống con người.
Sông Đakrông bắt nguồn từ đông A Pong, Cô-ca-va ở phía đông Trường Sơn gần biên giới Việt – Lào; trên đường về đồng bằng sông len lỏi uốn mình giữa các sườn núi cao, nhận thêm nhiều khe suối đổ đến và khi đến dưới chân đèo Khe Sanh gặp sông Rào Quán, thì mở rộng dòng, thành một con sông khá lớn rồi xuôi về đồng bằng ra biển. Theo bản đồ từ thì đây trở xuống mới chính thức sông Thạch Hãn. Còn từ đây trở lên đồng bào miền nun, Vân Kiều, Pa Kô, Pa Hy gọi là sông Đakrông. Nói cho đúng toàn bộ sông, đối với đồng bào kinh là sông Thạch Hãn còn đối với đồng bào thượng là sông Đakrông (dòng nước sông) không có sự phân chia thành 2 đoạn với 2 tên khác nhau.
Ai đã một lần ngược dòng sông này, cũng đều nhận thấy rằng ở nguồn thượng lưu có rất nhiều đá, đá giữa sông, đá giữa dòng, đá ở hai bên bờ, đá ở dưới đáy. Có lẽ vì vậy mà dọc bờ sông nhiều tên đấ tên làng mang chữ đá, như: Đá nổi, trinh thạch, đá đứng, đá hàn, lập thạch...nước sông chảy qua đá nên rất trong.
Chẳng thơm cũng thể hương đàn
Không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra
Âm vang muôn đời những lời thì thầm, to nhỏ như kể cùng con người truyền thuyết bất hủ về nguồn gốc Đakrông.
Chuyện kể rằng ngày xưa ở một ngọn núi nọ dưới chân núi có 2 vợ chồng nông dân hạ sinh được 10 người con trai và ở trên chóp núi cao có 10 cô con gái gọi cặp vợ chồng Diều hâu là bố mẹ. Cũng như sáu ngươi anh em ở đầu bản, sáu cô chị trên núi luôn cậy mình là lớn, chỉ ham vui chơi và bắt bốn em của mình phải làm tất thảy mọi công việc nặng nhọc trong nhà.
Thấm thoát, mười người con trai ở dưới bản đã đến tuổi lấy vợ. Họ kéo nhau lên núi hỏi 10 cô gái. Hay tin, sáu cô chị vội vàng trang điểm nên được 6 người anh kén chọn. Bốn cô theo thứ tự lấy bốn người em trai. Người con trai út lấy Đakrông là cô con gái út.
Sau khi về bản họ vẫn chung sống với nhau trong một nhà. Bốn cô em ngày càng xinh đẹp khiến cho 6 người anh ngày càng mê mẫn và nảy ra ý muốn chiếm đoạt làm vợ. Không chịu được nổi chia lìa, ba vợ chồng người em bỏ xứ ra đi. Riêng vợ chồng Đakrông quá nẵng tình với nương rẫy và bản làng quê hương nên phải ở lại. Từ đây bắt đầu một chuỗi ngày khổ nhục, xót thương của đôi vợ chồng trẻ trước tâm địa xấu xa bạo tàn của ông anh cả, sáu cô chị bị bố mẹ bắt về núi và 5 người em trai đã bị hắn giết hại. Thế nhưng tình yêu thương nồng cháy, thủy chung cộng với lòng nhân hậu của Giàng  Phăng-tơ-rô đã giúp họ vượt qua và chiến thắng tất cả. Bất lực, tức tối tên ác đuổi theo quyết giết chết cho bằng được đôi vợ chồng. Một dòng nước lớn đột nhiên xuất hiện đã kịp thời ngăn bước hắn. Hắn chạy đến đâu dòng nước dài ra đến đấy, cho tới lúc hắn mệt mỏi, kiệt sức và ngã xuống.
Tên ác tắt thở, vợ chồng Đakrông đưa nhau về bản, sống với nhau trong niềm hạnh phúc chứa chan, yêu nhau bằng một mối tình trong trắng không dứt như dòng nước. Sau khi họ đã dừng lại dòng nước vẫn tiếp tục chảy theo chân núi, trong veo, không ngừng mãi mãi bảo vệ cuộc sống cho họ được yên lành.
Dòng nước, dòng sông chảy qua các bản làng Tà Ôi, Vân Kiều...và muôn đời giữa đẹp  cuộc sống và tình yêu của con người ấy, từ đó nhân dân đã lấy tên hai vợ chồng để gọi là Đakrông, sông Đakrông.
Có thể nói với truyền thuyết này, sông Đakrông trong chúng ta không chỉ là một bức tranh sinh động về cuộc sống, một khát vọng nồng cháy về về đạo đức và công lý. Nó còn là một bài thơ, một tiếng hát về con người, về đất nước quê hương.
Sông Đakrông hôm nay như đẹp hơn, ấm áp thêm bởi có con đường Trường Sơn lịch sử (đường 14) được mở từ giao điểm đường 9, băng qua với một chiếc cầu treo duyên dáng, ngày đêm đưa đón những dòng người, xe cộ ngược xuôi, đi về. Cầu được xây dựng khi Tổ quố  vừa hòa bình thống nhất (1-6-1975) với sự giúp đỡ của nước bạn Cu Ba và nhanh chón hoàn thành hơn một năm sau đó (2-9-1976). Cầu dài khoảng 100m, rộng hơn 6m được kết cấu bằng sắt, giữa nhịp không có trụ móng đỡ chịu lực phía dưới, mà thay tế nó là 2 cặp trụ sắt đúc cao lên ở hai đầu cầu, để cho những sợi dây cáp vắt ngang qua chằng chịt “treo” chiếu cầu trên hai bờ nước.
Mặc dù dược xây dựng đầu tiên và khá quy mô trên địa bàn Quảng Trị, nhưng tính độc đáo, hấp dẫn của cầu treo Đakrông không hẳn ở cấu trúc kỹ thuật, bảo đảm cho mọi hoạt động giao thông với cường độ lớn trên tuyến đường chiến lược mang tầm vóc quốc gia và quốc tế này, mà còn ở vị trí nó đang tồn tại. Kỳ vĩ, phóng khoáng giàu chất thi ca. Vây bọc quanh cầu là những dãi núi rừng  trùng điệp của đại ngàn Trường Sơn, bốn mùa luôn rộn rã âm thanh của các loài muôn thú. Qua Đakrông vào buổi sáng sớm hay chiều tà, du khách không khỏi ngỡ ngàng nhìn những đám mây trắng vương trên đầu ngọn nun, trôi bồng bềnh giữa lưng chừng trời, đậu rất gần bên ngoài cửa xe, như có thể vươn tay và bắt được từng nắm vậy. Đến lúc này bạn có cảm giác đang được bay lên với chiếc cầu nâng cánh, dập dờn cùng gió, cùng mây cùng những ý tưởng trinh bạch, thanh cao đến ngập hồn.
Nếu ví phong cảnh thiên nhiên xung quanh dòng Đakrông là một bức tranh thủy mặc sinh động, có núi đồi, sông suối, có mây trời, cây cỏ...thì chiếc cầu treo kia là một nét chấm phá tài hoa, vừa thực hiện, vừa bay bổng của người nghệ sĩ.
Cách cầu treo 500m về phía đông bắc, cạnh dòng suối Ta-lu một chi lưu của sông Đakrông, có mỏ nước khoáng tự nhiên với trữ lượng lớn. Tại đây chỉ trên các vòi tự chảy cũng có thể khai thác trên trăm m3 nước/ngày. Giống như nước khoáng Tân Lâm, nước khoáng Đakrông thuộc loại chữa bệnh, giải khát (độ khoáng thấp) hàm lượng HCO3 (gốc bicacbônat) từ 300 – 400mg/l và Ion Ca++ (canxi) trên 400mg/l (Các chất này giúp tiêu hóa tốt, chống ợ chua), trong nước không có các độc tố như Xanua, Selen, chì, đồng...
Đặc biệt có chất Mêtaslic (H2SiO3) hàm lượng trên 50mg/l. Chất này theo đánh giá của các nhà y khoa, có tác dụng tăng khả năng chống viêm nhiễm.
Từ năm 1992 Xí nghiệp Bia Quảng Trị đã bắt tay khai thác cho ra đời nước khoáng Đakrông. Số lượng và chất lượng đang từng bước nâng lên. Nước khoáng Đakrông có mặt rộng khắp trên địa bàn với sức tiêu thụ ngày càng lơn. Tuy nhiên do những điều kiện về kỹ thuật và phạm vi của thị trường nên hiện nay mới chỉ khai thác được khoảng 0,25% công suất vòi tự nhiên.
Khu danh thắng Đakrông với những nét đẹp kỳ vĩ, nguyên sơ chứa chất trong lòng bao tài nguyên quý giá, chính là món quà tặng hào phóng của thiên nhiên dành cho người và đất Quảng Trị. Rồi những chủ nhân của nó hôm nay, đã không phụ lòng trao gửi, ngày đêm bằng bàn tay khối óc của mình, tạo thêm dáng, thêm sắc, góp phần giữ mãi một vùng không gian thơ mộng, vĩnh hằng. Rồi đây khi tuyến du lịch ngược đường 9 lên thăm thú miền Trung phát triển mạnh, khu danh thắng Đakrông sẽ là điểm tham quan hấp dẫn, say người và chắc chắn để lại những dấu ấn lớn trong tổng quan chung của đời sống kinh tế văn hóa Quảng Trị tương lai.

Thông Tin Du Lịch & Tài Liệu Tuyến Điểm

Thông Tin Du Lịch Miền Trung