-->
Đi Rồi Sẽ Đến Go will come

Translate

NẠP NĂNG LƯỢNG - BỨT PHÁ ĐƯỜNG ĐUA

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/08/1911 – 04/10/2013)

Donald S.Marshall (Đô Nan S.Mắc San) kí giả người Mỹ viết: "Đại tướng Giáp, vị tướng 5 sao của quân đội Bắc Việt Nam kiêm Bộ trưởng Quốc phòng là vị tướng duy nhất được biết đến nhiều nhất trong các cuộc chiến tranh Đông Dương - Việt Nam. Ông Giáp (còn có tên là anh Văn) có một vị trí trong lịch sử thế giới qua việc lãnh đạo lực lượng Việt Minh đánh bại lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ..."
Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, quê ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thân sinh là cụ Võ Nguyên Thân, một nhà nho nghèo, yêu nước, dòng dõi khoa bảng, bất khuất và kiên cường. Lúc còn nhỏ, trước khi cắp sách đến trường làng, ông được cha dạy học chữ ở nhà. Ông là người thông minh và hiếu học. Đến năm 13 tuổi, ông được vào Huế theo học ở trường Quốc học; sau đó ông ra Hà Nội học ở khoa Luật, trường Đại học Tổng hợp. Ông đỗ bằng Cử nhân Luật và Kinh tế chính trị năm 1937.
Một cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi
Mười bốn tuổi, ông bắt đầu hoạt động cách mạng (1925). Năm 1929, ông tham gia cải tổ Tân Việt Cách Mạng Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa phủ (Huế) vì tham gia các cuộc biểu tình chống Pháp. Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được thả tự do. Ông hoạt động đấu tranh cách mạng trên mặt trận văn hóa, viết bài cho những tờ báo công khai hồi đó như Tin Tức, Nhân Dân, Tiếng nói của chúng ta, Lao động; làm biên tập viên cho các báo của Đảng; dạy Sử - Địa ở trường tư thục Thăng Long. Năm 1934, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Quang Thái, bạn học tại trường Quốc học Huế, một Đảng viên Cộng sản, cộng tác đắc lực của ông. Trong những năm hoạt động bí mật ở Hà Nội, hai ông bà đã từng chung sống ở căn nhà số 46 phố Nam Ngư. Năm 1943, bà Thái chết trong nhà giam Hỏa Lò, Hà Nội.
Từ năm 1936-1939, phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương lên cao, ông là một trong những sáng lập viên của Mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông cùng Trường Chinh là đồng tác giả cuốn sách "Vấn đề dân cày", trong đó nêu rõ quan điểm: ’’Vấn đề then chốt ở Đông Dương là trao ruộng đất cho dân cày’’.
Năm 1939, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng với Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được sự dìu dắt của Người, ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940. Tháng 5 năm 1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông cùng các cán bộ cao cấp khác xây dựng cơ sở cách mạng, lập ra Mặt trận Việt Minh, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.
Năm 1942, ông phụ trách ban "Xung phong Nam tiến’’. Tháng 12-1944, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trao nhiệm vụ thành lập đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân. Ngày 22-12-1944, tại một khu rừng ở Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ủy nhiệm ông đứng ra tuyên bố thành lập đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay) với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy, ông được giao trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy. Cuối tháng 3-1945, ông đưa đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân tiến xuống phía Nam, hội quân với đội Cứu Quốc quân của Chu Văn Tấn ở vùng chợ Chu, Thái Nguyên để thống nhất tổ chức thành Việt Nam Giải Phóng Quân.
Tháng 8-1945, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, làm tổng chỉ huy các đội Việt Nam Giải Phóng Quân và Ủy viên Ban chỉ huy lâm thời khu Giải phóng Việt Bắc. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II (1945) bầu ông vào Ban chấp hành Trung ương và làm Ủy viên Thường vụ Trung ương. Ông tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Bộ trưởng (nay gọi là Thứ trưởng) Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời (từ ngày 28 tháng 8 đến hết năm 1945) và là Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ. Trong Chính phủ Liên hiệp thành lập ngày 3 tháng 11 năm 1946, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (cho đến tháng 7 năm 1947 và từ tháng 7 năm 1948 trở đi). Cũng trong năm 1946, ông lập gia đình với bà Đặng Bích Hà (con gái giáo sư Đặng Thai Mai).
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản, ông bắt đầu lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) với cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ. Ngày 25 tháng 1 năm 1948, ông được phong Đại tướng theo Sắc lệnh 110/SL ký ngày 20 tháng 1 năm 1948. Tháng 8 năm 1948, ông là Ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao vừa mới được thành lập.
Tháng 6-1950, theo Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Đảng chấn chỉnh tổ chức thành Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh, ông giữ chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh, Tổng Chính ủy Bí thư Quân ủy Trung ương. Ông liên tục đảm nhiệm những chức vụ trên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975).
Trong 21 năm (1954-1975) của cuộc Chiến tranh Việt Nam, ông thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tham gia xây dựng chiến lược chiến tranh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động của Quân đội Nhân dân trong chiến tranh. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều hoạt động Đảng cộng sản và Nhà nước khác.
Trong một thời gian ngắn từ tháng 7 năm 1960 đến tháng 1 năm 1963, ông kiêm thêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.
Năm 1980, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật. Người thay thế ông ở Bộ Quốc phòng là Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, một trong những cộng sự lâu năm nhất của ông.
Năm 1991, ông nghỉ hưu ở tuổi 80. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (1992), 2 Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến thắng hạng nhất.
Là một người có tài tổ chức, Võ Nguyên Giáp đã từng bước xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam từ 34 người vào tháng 12 năm 1944 thành một đội quân với hơn một triệu người năm 1975. Là một nhà chiến lược - chiến thuật bậc thầy, ông đã từng bước lãnh đạo quân đội và nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tên tuổi của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến thắng có ý nghĩa quốc tế của Quân đội Nhân dân Việt Nam - chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Với hơn 50 năm tham gia hoạt động chính trị ở cấp cao nhất, trong đó có 30 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội, ông có uy tín lớn trong Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quân đội và trong nhân dân, được coi là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Uy tín của Đại tướng tỏa rộng trong nước và ngoài nước.
Kí giả Peter MacDonald (Pitơ Mắc- đô- nan) người Anh viết: "1944 đến 1975, cuộc đời của ông Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, đã làm ông trở thành một trong những Thống soái lớn của các thời đại. Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông đã tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh; khó có vị tướng soái nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy ở trình độ cao. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có".
Kí giả G.Bonnet (G Bonnê) người Pháp viết vào Từ điển bách khoa toàn thư Pháp: "Là người tổ chức Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự Mác xít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp"

Thông Tin Du Lịch & Tài Liệu Tuyến Điểm

Thông Tin Du Lịch Miền Trung